Ông Bùi Ngọc Dương, CEO CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho rằng, đối với lĩnh vực chế biến xăng dầu, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu, việc giá dầu tăng cao không phải là yếu tố thuận lợi.

Ông Bùi Ngọc Dương, CEO BSR

Thông tin được ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chia sẻ trong talkshow do báo Đầu tư tổ chức.

Giá dầu tiếp tục là thông tin được quan tâm trước các động thái mới đây từ các nước G7. Các hãng phân tích quốc tế đưa ra các kịch bản tham khảo như thế nào trong năm nay? Đâu là ẩn số vàng đen cần chú ý, những yếu tố đó có ảnh hưởng ra sao đến cung – cầu, giá dầu trong nửa cuối năm?

Ông Dương đề cập, theo dự báo của các tổ chức dự báo uy tín trên thế giới, hết quý 2 giá dầu ở mức trung bình 116 USD/thùng và có chiều hướng giảm vào các quý 3, 4 tuy nhiên vẫn sẽ ở mức cao khoảng 105 USD/thùng. Như vậy giá dầu vẫn cao hơn mức dự báo ở giai đoạn trước.

Các yếu tố tác động đến giá dầu chủ yếu vẫn là do căng thẳng địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine và các biến động về chính trị ở các khu vực khác như châu Phi, Lybia.

Yếu tố thứ 2 là việc khai thác của các tổ chức quốc tế như OPEC+, năng lực khai thác chưa thật sự đúng với dự báo hoặc với cam kết. Yếu tố nữa là thị trường phục hồi sau COVID nhất là thị trường Trung Quốc khiến nhu cầu về sản phẩm xăng dầu và năng lượng tăng trở lại. Đó là những yếu tố đảm bảo giá dầu sẽ duy trì ở mức cao so với thời điểm hiện tại.

Yếu tố đẩy lợi nhuận

Ông Dương cho rằng, đối với lĩnh vực chế biến xăng dầu, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu, việc giá dầu tăng cao không phải là yếu tố thuận lợi vì tất cả các chi phí đều được tính nương theo giá dầu. Kể cả các chi phí từ hoá phẩm nguyên liệu, hoá phẩm xúc tác, logistics, bảo hiểm… tất cả các chi phí đều tăng theo giá dầu. Vậy nên đây là yếu tố bất lợi chứ không phải thuận lợi đối với các nhà máy lọc dầu.

“Yếu tố lợi nhuận lại mang lại từ yếu tố khác. Còn giá dầu tăng cao thì các chi phí liên quan đến giá thành và chi phí tài chính, vận tải đều tăng. Yếu tố lợi nhuận lại dựa trên yếu tố thị trường, cung cầu, được quyết định bởi các tổ chức quốc tế. Họ đưa ra những bộ dự báo, làm căn cứ để tính lợi nhuận”, ông Dương cho biết.

Cụ thể, bên cạnh giá dầu tăng so với dự báo thì chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô (crack margin) là tương đối cao. Giá bán sản phẩm của BSR cũng như giá nhập khẩu đều dựa theo những bộ giá của Woodmackenzie và Platts. Đối với thị trường Việt Nam, công ty thường dựa vào bộ giá của Platts và crack margin trung bình hiện nay tăng rất mạnh.

“Tôi nghĩ do sự thiếu hụt nguồn cung dẫn đến việc phải cạnh tranh mua trên thị trường quốc tế dẫn tới việc định giá giá bán sản phẩm tăng cao. Trên cơ sở đó BSR cũng có nhiều thuận lợi trên cơ sở crack margin tốt trong 6 tháng đầu năm. Chính vì thế kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của BSR cũng tăng trưởng vượt bậc so với kỳ vọng đặt ra ban đầu. Hiện tại chúng tôi đã vượt xa so với kế hoạch và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm 2022”, ông Dương tiết lộ.

Ông Dương cho biết, nhà máy lọc dầu Dung Quất có lợi thế đã vận hành 12-13 năm nên hiểu rất rõ về nhà máy và đảm bảo vận hành liên tục để gia tăng lợi nhuận.

Yếu tố thứ 2 là BSR tối ưu hoá để tiết giảm chi phí. Nhà máy 100% người Việt Nam làm chủ nên cũng có nhiều cơ hội để tự chủ trong kiểm soát, tối ưu hoá nhà máy.

“Chúng tôi có thuận lợi là thời gian kể từ khi vận chuyển từ mỏ về nhà máy gần. Đây là lợi thế rất lớn nhất là trong thời kỳ khủng hoảng. Có những thời điểm trong vòng một tuần giá dầu đã chênh 10-20% nên càng rút ngắn thời gian vận chuyển từ mỏ đến chế biến đến bán sản phẩm thì càng giúp chúng tôi kiểm soát được tình hình”, ông Dương đề cập.

Ngoài ra, việc gia tăng lợi nhuận còn đến từ việc lập kế hoạch vận hành linh hoạt theo thị trường và thực tiễn sản phẩm. Cụ thể, có những thời điểm sản phẩm xăng có lợi hơn công ty sẽ tối đa hoá các sản phẩm xăng, có lúc sản phẩm dầu diesel có lợi hơn lại chuyển sang. Linh hoạt trong vận hành và nhanh nhạy với thị trường, cộng thêm việc bộ giá sản phẩm năm nay rất tốt và giá dầu không bị biến động quá mạnh là những yếu tố giúp gia tăng lợi nhuận.

Rủi ro giá dầu giảm

Bên cạnh yếu tố thuận lợi hiện nay, lãnh đạo BSR cũng chia sẻ về rủi ro nếu giá dầu đảo chiều giảm.

Ông Dương cho biết, nếu giá dầu giảm sâu thì BSR bị tác động bất lợi cả về dầu thô và sản phẩm, đặc biệt là giảm giá hàng tồn kho. Đó là những rủi ro rất lớn của nhà máy lọc dầu.

Vị này nêu, theo quy trình, doanh nghiệp phải đặt hàng trước 2-3 tháng để có dầu thô đến nhà máy chế biến, cộng thêm thời gian chế biến nên vòng đời rất dài. Như vậy, yếu tố thị trường có tác động quyết định.

“Khi giá dầu tăng, chúng tôi có một số thuận lợi trong ngắn hạn về doanh thu và lợi nhuận. Nhưng khi giá giảm, chúng tôi gặp rủi ro về hàng tồn kho và phải giải quyết vấn đề này. Nếu để tồn kho quá cao, khi giá lên sẽ được hưởng lợi rất tốt nhưng khi giá xuống lại phải chịu tác động kép cả về dầu thô và sản phẩm. Do đó sau khi vòng đời chế biến hoàn thành thì mới xác định được chính xác lợi nhuận của đợt chế biến đó là bao nhiêu”, CEO BSR cho biết.

Ông Dương cho biết, doanh nghiệp chưa có chính sách phù hợp để giảm thiểu rủi ro nói trên. Vị này dẫn giải, các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới khóa margin lại bằng cách mua các công cụ tài chính nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện được do quy định của nhà nước chưa cho phép. Đây là một trong những vấn đề doanh nghiệp đã kiến nghị chính phủ và các bộ ngành để đảm bảo quyền lợi của mình.

“Chúng tôi ngoài việc đảm bảo vận hành an toàn hiệu quả nhà máy thì còn nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng nên bắt buộc phải duy trì sản lượng nhất định đủ theo kế hoạch, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước. Đó là những yếu tố chúng tôi cần nhận biết và kiểm soát. Tùy từng thời điểm mà giá dầu lên hay giá dầu xuống doanh nghiệp sẽ gặp những bất lợi hoặc thuận lợi nên cần kiểm soát thật khéo để rủi ro giảm và lợi nhuận tăng lên”, ông Dương chia sẻ.

Theo ông Dương, thời điểm hiện tại các tổ chức đều dự báo giá dầu vẫn sẽ ở mức cao và crack margin cũng tốt. Tuy nhiên, giai đoạn này biến động rất lớn và tuỳ thuộc vào những yếu tố không thể lường trước.

“Nên chúng tôi cũng xây dựng các kịch bản giá dầu trên 100 USD và giá dầu dưới 100 USD để điều hành. Trong mọi trường hợp công ty đều phải đảm bảo nguồn cung dầu ra thị trường theo kế hoạch đã đăng ký với Chính phủ và hiện tại vẫn đang đáp ứng tốt. Về mặt kiểm soát rủi ro liên quan đến giảm giá dầu là yếu tố công ty phải đưa vào kiểm soát hàng ngày, thay đổi tuỳ theo thời điểm và phải dự phòng những yếu tố không xác định được”, lãnh đạo BSR cho biết.

Bức tranh cuối năm?

Ông Bùi Ngọc Dương cho biết, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất được thiết kế với công suất 6,5 triệu tấn/năm. Công ty đã tăng công suất lên khá cao so với thiết kế. Công ty phải tính toán được dự báo trong 2 tháng tới phải chạy công suất bao nhiêu, thị trường thế nào để quyết định việc mua dầu. Doanh nghiệp xây dựng kịch bản và cập nhật những dự báo để xác định tại thời điểm cụ thể vận hành với công suất bao nhiêu và các giải pháp đi kèm linh hoạt.

Về tiến độ dự án mở rộng nhà máy, công ty đã trình và báo cáo chính phủ về chủ trương điều chỉnh và chính phủ đang xem xét. Dự kiến đầu quý 3 sau khi được phê duyệt chủ trương, công ty sẽ đẩy nhanh triển khai hàng loạt hạng mục của dự án.

“Mục tiêu là hết 2025 hoàn thành và đưa vào vận hành. Làm nhà máy lọc dầu rất khó và rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiến độ nên công ty đang tập trung triển khai. Vì đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, mở rộng nhà máy và thay đổi cơ cấu dầu thô phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng trong tương lai nên cần tính đến đầu tư nâng cao hiệu quả trong lâu dài”, CEO BSR chia sẻ.

Theo dự báo, giá dầu có chiều hướng giảm tuy nhiên bộ giá trong quý 3 sẽ tốt và đây vẫn là những thuận lợi để xây dựng kịch bản điều hành trong quý 3. Công ty đang xây dựng kịch bản để giữ mức tăng trưởng tốt ở quý 3, có thể quý 4 sẽ theo chiều hướng giảm so với hiện tại.

Theo Nhịp sống kinh doanh