Bán VPS – VPS thành ông lớn, VPBank bất ngờ đăng ký mua 842 triệu cổ phiếu 1 CTCK khác

VPBank (VPB) trước đây cũng từng có công ty chứng khoán là CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (nay là Chứng khoán VPS). Tuy nhiên, 5 năm trước, VPBank đã thoái vốn khỏi công ty này.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (VPB) vừa công bố quyết định đăng ký mua vào hơn 842 triệu cổ phiếu chào bán của Công ty Chứng khoán ASC theo phương án phát hành cổ phần phổ thông cho cổ đông hiện hữu.

Sau khi mua số cổ phần này tỷ lệ sở hữu của VPBank vẫn giữ nguyên là 97,42% vốn điều lệ của ASC. Giá trị thực hiện ước tính 8.428 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 1, HĐQT VPBank đã thông qua nghị quyết về việc mua/nhận chuyển nhượng gần 26,2 triệu cổ phần – tương đương 97,42% vốn điều lệ của Chứng khoán ASC từ các cổ đông hiện hữu của công ty.

Vào cuối tháng 8, ông Nguyễn Công Tuấn là cổ đông chi phối tại Chứng khoán ASC với số lượng cổ phiếu nắm giữ 65,3% vốn công ty, cổ đông lớn thứ hai là ông Nguyễn Tiên Phong với 21,86% vốn.

Công ty cũng đã miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT cũ và bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tại đây, ông Phạm Phú Khôi đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT còn ông Nguyễn Hà Quỳnh giữ vị trí Tổng Giám đốc

Hiện ASC đã chuyển trụ sở từ TP. HCM ra Hà Nội tại địa chỉ tầng 25, Tòa tháp VPBank 89 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, trụ sở chính của ngân hàng.

Trước đó sáng 14/2/2022, CTCP Chứng khoán ASC đã thông qua việc đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities).

Bên cạnh đó, tờ trình về việc tăng vốn điều lệ năm 2022 đã được thông qua. VPBank Securities sẽ tiến hành chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá thấp nhất là 10.000 đồng.

Nếu hoàn tất 100%, vốn điều lệ của VPBank Securities sẽ tăng gấp hơn 33 lần, từ gần 269 tỷ đồng lên mức 8.920 tỷ đồng qua đó trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ hàng đầu trong ngành.

Được biết, thời gian thực hiện trong năm 2022 và sau khi có chấp thuận từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy tham vọng với doanh thu kỳ vọng đạt 1.509 tỷ đồng – gấp 131 số doanh thu hơn 11 tỷ đồng năm 2021; lợi nhuận sau thuế là 632 tỷ đồng – gấp hơn 105 lần thực hiện trong cả năm 2021.

Theo tìm hiểu, Chứng khoán ASC được thành lập từ 8/4/2009; đến năm 2017 thì điều chỉnh nghiệp vụ môi giới chứng khoán và chỉ thực hiện tư vấn đầu tư chứng khoán. Mặc dù thành lập sớm song hoạt động kinh doanh của ASCS không có nhiều điểm nổi bật.

Năm 2020, công ty chứng khoán này chỉ đem về 1,2 tỷ đồng doanh thu thuần – giảm hơn 81% so với năm 2019. Doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến công ty lỗ ròng hơn 3,58 tỷ đồng so với khoản lãi 87 triệu đồng ở năm 2019.

Sang năm 2021, tình trạng kinh doanh kém sắc vẫn tiếp tục được duy trì.

Về phần VPBank, trước đây nhà băng này cũng đã từng có công ty chứng khoán là CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (nay là Chứng khoán VPS). Tuy nhiên, 5 năm trước, VPBank đã thoái vốn khỏi công ty này.

Hiện tại, VPS đã là công ty chứng khoán có thị phần môi giới cao nhất Việt Nam.

Theo Kiến thức đầu tư