Theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, trong 2 năm 2022-2023, ngân sách Nhà nước dành 40.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ 2% lãi suất để doanh nghiệp phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Công ty Vận tải Du lịch và Dịch vụ Long Hiền, thành phố Đà Nẵng hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19. Gần 150 ô tô các loại phải nằm một chỗ, hư hỏng, xuống cấp. Từ tháng 3 đến nay, thị trường du lịch dần phục hồi, doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn để sửa chữa, tái đầu tư thêm xe mới, mở rộng kinh doanh. Doanh nghiệp này rất kỳ vọng vào gói vay lãi suất ưu đãi theo Nghị định 31 của Chính phủ.

“Gói hỗ trợ lãi suất 2% để phục hồi doanh nghiệp thông báo từ ngày 20/5 đến bây giờ đầu tháng 7 nhưng thông tin các ngân hàng thông báo về gói này rất ít thông tin. Mình mong muốn sao cần sự quyết liệt hơn khi triển khai gói sản phẩm này làm sao cho tiếp cận nhanh và kịp thời đến doanh nghiệp thì mới góp phần giúp cho doanh nghiệp ổn định tình hình hoạt động kinh doanh”, ông Ngô Bảo Thiên, Phó Giám đốc Công ty Vận tải Du lịch và Dịch vụ Long Hiền bày tỏ.

Vận tải du lịch dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng trong 2 năm dịch Covid-19 vừa qua.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn các Ngân hàng Thương mại nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng. Mục đích của gói hỗ trợ này nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023; sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách khác.

Đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực được vay là hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

Khoản vay hỗ trợ lãi suất là đòn bẩy giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh.

Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang thông tin đến nhóm khách hàng trong diện được vay. Theo ông Đoàn Phúc, gói tín dụng này chỉ tập trung một số lĩnh vực trọng yếu cần hỗ trợ nên có nhiều điều kiện ràng buộc khá chặt chẽ.

“Đợt này về mặt cơ chế, chúng tôi triển khai rất nhanh và cũng rất kỹ, đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ các nhu cầu của doanh nghiệp. Việc triển khai chậm tôi nghĩ có những yếu tố khách quan. Để triển khai cho hiệu quả thì giữa doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành nghề bắt tay nhau để nắm bắt được những chủ trương. Quan trọng là đề xuất được những dự án khả thi để nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp”, ông Đoàn Phúc cho biết thêm.

Doanh nghiệp lĩnh vực vận tải du lịch dịch vụ nằm trong diện được vay với lãi suất ưu đãi

Thực tế, hiện nay các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai rất chậm gói vay ưu đãi theo Nghị định 31 của Chính phủ. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, các Ngân hàng chưa thực hiện giải ngân rộng rãi được vì còn vướng một số hướng dẫn riêng từ các Ngân hàng thương mại.

“Hiện nay có cái vướng là đang chờ hướng dẫn nội bộ của các ngân hàng thương mại. Vì trong Thông tư 03 Ngân hàng Nhà nước quy định là các ngân hàng phải ban hành văn bản nội bộ. Bản thân các Ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước Đà Nẵng cũng đã yêu cầu phải gửi ngay chỉ đạo của hội sở về ngân hàng Nhà nước để theo dõi”, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng thông tin./.

Theo VOV