Các nước đang xếp hàng tìm kiếm các thỏa thuận cung cấp hàng hóa nông nghiệp và tài nguyên từ Canada. Động thái này diễn ra sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, kéo theo loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow, làm gián đoạn giao thương với Nga, một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực dầu thô, phân bón, lúa mì, nickel, uranium…
Một nhà kho chứa kali tinh chế của Nutrien, nhà sản xuất phân kali lớn nhất thế giới, ở tỉnh Saskatchewan, Canada. Ảnh: Global News
Thế giới sốt sắng tìm nguồn cung dự phòng
Hai tuần sau khi Nga mở cuộc tấn công quân sự ở Ukraine, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil, Tereza Cristina lên máy bay tới Canada để tìm cách giải quyết một cuộc khủng hoảng nông nghiệp tiềm ẩn.
Brazil, một trong những nhà sản xuất nông sản lớn nhất thế giới, nuôi dưỡng phần lớn các vụ mùa bằng phân kali mua từ Nga và Belarus. Khi hoạt động xuất khẩu kali của hai nước này bị gián đoạn do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, Brazil đã chủ động tiếp cận Canada, một quốc gia giàu tài nguyên, để tìm kiếm nguồn cung dự phòng.
Bộ trưởng Tereza Cristina tuyên bố đã nhận được các cam kết tăng xuất khẩu kali từ các nhà sản xuất ở Canada sau cuộc họp với các quan chức chính phủ và các lãnh đạo ngành phân bón của nước này. Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Brazil nhập khẩu khoảng 36% nhu cầu phân kali từ Canada và gần 50% nhu cầu phân kali từ Nga và Belarus.
Bà nói: “Chúng tôi cần phải củng cố các mối quan hệ đối tác lâu dài nhằm đảm bảo sự ổn định và khả năng kinh doanh có lợi nhuận cho tất cả các mắt xích trong chuỗi sản xuất”.
Mối quan tâm của thị trường ngày càng tăng đối với phân kali và các mặt hàng khác của Canada cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine đang nắn lại dòng chảy thương mại toàn cầu.
Canada, nước có đặc điểm khí hậu và địa lý tương đồng với Nga, sản xuất nhiều mặt hàng giống như Nga. Cả hai nước này đều nằm trong số những nhà sản xuất dầu thô, uranium, nickel và phân kali lớn nhất thế giới. Cùng với Ukraine, họ cũng nằm trong nhóm nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất toàn cầu. Khách hàng tìm đến Canada để tìm kiếm nguồn cung thay thế trong lĩnh vực năng lượng, lương thực và các khoáng sản vốn đang khan hiếm vì chiến tranh và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Ngay cả một số nước, dù đã bảo đảm sản lượng lương thực đầy đủ trong nước, cũng đang tìm đến Canada để nhập khẩu thêm với mục đích dự trữ để đề phòng nguy cơ gián đoạn nguồn cung do các rủi ro địa chính trị hoặc biến đổi khí hậu.
Ông Murad Al-Katib, Giám đốc điều hành Công ty AGT Food & Elements (Canada), cho biết: “Cả thế giới đang tìm đến Canada”. AGT Food & Elements là công ty chuyên mua ngũ cốc và hạt đậu từ nông dân Canada rồi bán ra 120 quốc gia trên thế giới.
Murad Al-Katib cho biết nhu cầu mua nông sản của Canada đang tăng vọt ở nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Tunisia.
Ken Seitz, Giám đốc điều hành Nutrien (Canada), nhà sản xuất phân kali lớn nhất thế giới, đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tereza Cristina sau khi bà đến Canada.
Sau đó, Nutrien cam kết tăng sản lượng phân kali trong năm nay hơn 10%, lên 15 triệu tấn. Seitz nói: “Trước tình hình không chắc chắn về hoạt động sản xuất kali ở Đông Âu và rủi ro an ninh lương thực toàn cầu ngày càng gia tăng, Nutrien quyết định đẩy mạnh sản xuất kali”.
Dấu hỏi về năng lực đáp ứng
Ngành nông nghiệp của Argentina cũng đang chứng kiến mối quan tâm tăng vọt của khách hàng. Gustavo Idígoras, người đứng đầu một nhóm đại diện cho các nhà chế biến và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Argentina, tiết lộ ông đã nhận được email hỏi mua dầu hướng dương từ các siêu thị Pháp và Ý cũng như các lời đề nghị mua lúa mì và bắp theo các hợp đồng dài hạn từ giới chức trách ở Ai Cập và Lebanon.
Idígoras cho biết thêm các khách hàng Ấn Độ cũng đang kỳ vọng Argentina có thể bù đắp khoảng trống nguồn cung về dầu đậu nành và dầu hướng dương mà họ từng mua từ Ukraine.
Ông nói: “Họ đang yêu cầu chúng tôi cung cấp những sản phẩm mà họ chưa từng yêu cầu trước đây”.
Dấu hỏi lớn đối với các nước như Canada và Argentina là liệu họ có thể cung cấp đủ nguồn hàng thay thế hay không.
Dù được hưởng lợi từ nhiều lĩnh vực hàng hóa đang thiếu nguồn cung, Canada cũng đối mặt các trở ngại. Các tổ chức bảo vệ môi trường đã buộc chính phủ Canada và Mỹ hủy bỏ kế hoạch xây dựng các đường ống cho phép Canada xuất khẩu nhiều dầu hơn. Trong khi đó, mạng lưới đường sắt và cảng biển đang căng thẳng, không còn nhiều công suất dư thừa để giúp Canada xuất khẩu nhiều hơn.
Canada là nước xuất khẩu lớn ở lĩnh vực lúa mì và hạt cải dầu nhưng các hợp đồng xuất khẩu trở nên khan hiếm sau đợt hạn hán năm ngoái. Các chuyên gia nhận định nguồn cung hai mặt hàng này thể tăng nếu năng suất tại các nông trại ở Canada trở lại mức bình thường trong năm nay.
Murad Al-Katib, Giám đốc điều hành Công ty AGT Food & Elements, ghi nhận các chủ hàng đang gặp khó khăn trong việc tìm các container rỗng.
Đồng và nickel, hai trong số những mặt hàng kim loại dồi dào ở Nga, cũng được tìm thấy rộng rãi ở Úc, nhưng nước này chưa chuẩn bị sẵn sàng để lấp khoảng trống. Sau nhiều năm thiếu đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng, Úc cho biết việc tăng sản lượng nhanh chóng sẽ là một thách thức lớn.
Canada được hưởng lợi lớn nhất
Bất chấp những thách thức về việc tăng nguồn cung, Canada và nhiều nhà sản xuất hàng hóa ở nước này đang được hưởng lợi lớn. Giá dầu thô và phân kali cao hơn, giúp tạo ra các khoản lợi nhuận béo bở hơn, giúp bảng cân đối ngân sách của các chính quyền địa phương lành mạnh hơn
Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada, Jonathan Wilkinson cho biết trong khuôn khổ các cuộc họp của Cơ quan Năng lượng quốc tế ở Paris vào tuần trước, các quan chức từ một số nước đã tiếp cận ông để dò hỏi việc mua các sản phẩm như kali, uranium và nông sản của Canada, thay thế cho hàng nhập khẩu của Nga.
Wilkinson nói: “Tôi dự báo có thể sẽ có nhiều mặt hàng hơn của Nga mà các nước cần thay thế và Canada có thể hỗ trợ ngay bây giờ hoặc trong dài hạn”.
Tỉnh Alberta, nơi có nguồn thu ngân sách chủ yếu đến từ ngành dầu khí, dự kiến sẽ đạt mức thặng dư ngân sách lớn trong năm tài chính sắp tới.
Các nhà phân tích của Pavilion Global Markets, một công ty tư vấn đầu tư ở Canada, lưu ý với khách hàng trong một báo cáo hồi tuần trước rằng họ kỳ vọng thị trường chứng khoán Canada, nơi niêm yết nhiều cổ phiếu nguyên vật liệu và hàng hóa, sẽ nổi lên như một trong những thị trường được hưởng lợi lớn nhất từ các nỗ lực toàn cầu để cô lập nền kinh tế Nga.
Chỉ số S&P/TSX, theo dõi 239 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Toronto, tăng 3,5% trong năm nay, trong khi đó, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 4,6%.
Canada là nước có trữ lượng dầu lớn thứ tư trên thế giới. Các nhà sản xuất ở tỉnh Alberta, trung tâm dầu mỏ của Canada, vận chuyển hầu hết dầu của họ đến các nhà máy lọc dầu ở Mỹ thông qua các đường ống và đường sắt.
Tuần trước, Bộ trưởng Wilkinson cho biết các nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên của Canada có thể tăng sản lượng 300.000 thùng/ngày để bổ sung thêm cho nguồn cung đã đạt mức kỷ lục trong những tháng gần đây.
Cuối tuần qua, Sonya Savage, Bộ trưởng Năng lượng của tỉnh Alberta, nói rằng Canada có thể sản xuất dầu nhiều hơn nữa, nhưng chỉ khi chính phủ liên bang thay đổi các chính sách nhấn mạnh đến các mục tiêu giảm khí nhà kính và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo Kinh tế Sài Gòn