Số mã giảm ở nhóm vốn hóa lớn vẫn áp đảo hơn và khiến VN-Index không có được mức tăng mạnh.Nhóm cổ phiếu than có một tuần giao dịch tích cực khi đua nhau bứt phá.Đa số các cổ phiếu giảm mạnh đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần qua và tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.505,33 điểm, tương ứng tăng 6,44 điểm (0,43%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 10,43 điểm (2,37%) lên 450,59 điểm. UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (0,56%) lên 113,29 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 33.370 tỷ đồng/phiên, tăng 2,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 2% lên mức 31.843 tỷ đồng/phiên.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đa số có biến động không được tích cực trong tuần giao dịch từ 28/2-4/3. Cổ phiếu SAB của Sabeco (HoSE: SAB) giảm mạnh nhất với 4,81%. Tiếp sau đó, VJC của Vietjet (HoSE: VJC) cũng giảm 3,93%. Tuần qua là thời điểm không tốt đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, MBB của Ngân hàng Quân Đội (HoSE: MBB) giảm 3,5%, VIB của Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (HoSE: VIB) giảm 3,4%, CTG của VietinBank (HoSE: CTG) giảm 3,3%….

Ở chiều ngược lại, HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG) tăng mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 8,5%. HPG cùng nhiều cổ phiếu thép đua nhau bứt phá trong tuần qua nhờ sự đi lên mạnh mẽ của giá hàng hóa thế giới đặc biệt là giá thép. Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) cũng tăng 5,9%.

Tăng giá

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là OGC của Tập đoàn Đại Dương (HoSE: OGC) với 37,7%. Tiếp sau đó, cổ phiếu DTL của Đại Thiên Lộc (HoSE: DTL) cũng tăng gần 31% chỉ sau một tuần giao dịch. Tuy nhiên, khác với OGC, cổ phiếu DTL thuộc diện thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ 3.440 đơn vị/phiên ở tuần vừa qua.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.

Cổ phiếu vận tải biển VOS của Vosco cũng có một tuần giao dịch khởi sắc khi tăng 25,2%. Trong báo cáo mới nhất, SSI Research chưa thấy có dấu hiệu cải thiện nào đối với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới. Giá cước vận tải container (quan sát qua World Container Index) điều chỉnh nhẹ so với mức cao nhất từ tháng 10/2021 và vẫn ổn định ở mức cao. Điều này trái ngược với thị trường hàng rời có tính biến động cao (quan sát qua Baltic Dry Index), vốn phụ thuộc phần lớn vào việc giao thương quặng sắt, than và ngũ cốc. SSI Research đánh giá gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến 2023 do số ca nhiễm Omicron tăng nganh, chính sách Không Covid của Trung Quốc và căng thẳng Nga – Ukraine.

Ở sàn HNX, nhóm cổ phiếu than có tuần giao dịch bứt phá mạnh, trong top 10 về mức tăng giá sàn này có đến 5 cổ phiếu ngành than. HLC của Than Hà Lầm (HNX: HLC) tăng đến 40% chỉ sau một tuần giao dịch.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.

Trong khi đó, tăng giá mạnh nhất sàn HNX thuộc về doanh nghiệp thuộc ngành Containers & Đóng gói là PMP của Bao bì Đạm Phú Mỹ (HNX: PMP) với 59,4%.
Tại sàn UPCoM, XMD của Xuân Mai – Đạo Tú (UPCoM: XMD) tăng giá mạnh nhất với gần 99% từ mức 9.400 đồng/cp lên 18.700 đồng/cp. Khác với các tuần trước, trong danh sách tăng giá mạnh sàn UPCoM có một số cái tên thanh khoản ở mức tương đối như VMG của Vimexco Gas (UPCoM: VMG), TNS của Thép tấm lá Thống Nhất (UPCoM: TNS), PXT của Xây lắp Đường ống Dầu khí (UPCoM: PXT).

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.

Giảm giá

Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE là VRC của Bất động sản và Đầu tư VRC (HoSE: VRC) với 18%, đây cũng là cổ phiếu duy nhất ở sàn HoSE giảm giá trên 10%. Đứng sau VRC là cổ phiếu EIB của Eximbank (HoSE: EIB) với 9,7%. SVC của Savico (HoSE: SVC) và MDG của Xây dựng Miền Đông (HoSE: MDG) đều giảm trên 9%.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.

Ở sàn HNX, cổ phiếu TST của Dịch vụ KT Viễn Thông (HNX: TST) giảm mạnh nhất với 17,4%. Tiếp sau đó là PHN của Pin Hà Nội (HNX: PHN) với mức giảm 14,2%. Tuy nhiên, cả hai cổ phiếu nói trên đều thuộc diện thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh chỉ vài trăm đơn vị/phiên.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.

Tại sàn UPCoM, các cổ phiếu trong top 10 giảm giá đều thuộc diện thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân dưới 3.000 đơn vị/phiên. Cổ phiếu DLD của Du lịch Đắk Lắk (UPCoM: DLD) giảm mạnh nhất thị trường với gàn 40%.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.

Theo Người đồng hành