Thanh khoản là gì?

Thanh khoản (Liquidity) chỉ mức độ mà một tài sản bất kì có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm ảnh hưởng nhiều đến giá thị trường của tài sản đó. Một tài sản có tính thanh khoản cao nếu nó có thể được bán nhanh chóng mà giá bán giá bán không giảm đáng kể, thường được đặc trưng bởi số lượng giao dịch lớn. Ví dụ, tiền mặt có tính thanh khoản cao, vì nó thường có thể được “bán” (để đổi lấy hàng hóa) với giá trị gần như không thay đổi. Chứng khoán hay các khoản nợ, khoản phải thu… có tính thanh khoản cao nếu chúng khả năng đổi thành tiền mặt dễ dàng. Cách gọi thay thế cho tính thanh khoản là tính lỏng, tính lưu động.

Ý nghĩa của tính thanh khoản

Việc đánh giá tình hình thanh khoản của một doanh nghiệp mang lại nhiều ý nghĩa đối với bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngân hàng, nhà cung cấp

+ Đối với doanh nghiệp: giúp đội ngũ lãnh đạo đưa ra các phương án quản trị phù hợp đảm bảo tình hình tài chính tốt, đảm bảo các khoản vay đượ thanh toán đúng hạn.

+ Đối với ngân hàng, các chủ nợ và nhà đầu tư cho doanh nghiệp: giúp các bên đầu tư, cho vay nhận biết được rủi ro thanh khoản của doanh nghiệp và cân nhắc có nên đầu tư, cho vay không.

Tính thanh khoản của chứng khoán

Chứng khoán có tính thanh khoản là những chứng khoán có sẵn thị trường cho việc bán lại dễ dàng, giá cả tương đối ổn định theo thời gian và khả năng cao để phục hồi nguồn vốn đã đầu tư. Nhờ có thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư có thể chuyển đổi chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt khi họ muốn và khả năng thanh khoản chính là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán với các nhà đầu tư. Tính thanh khoản cho thấy sự linh hoạt và an toàn của vốn đầu tư, thị trường hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì tính thanh khoản của chứng khoán giao dịch càng cao.

Khi lựa chọn chứng khoán để đầu tư, ngân hàng hay các nhà đầu tư nên xem xét đến khả năng bán lại trước khi chúng đáo hạn để tái tạo nguồn vốn đầu tư ban đầu. Nếu khả năng tái tạo kém, nghĩa là khó tìm được người mua hoặc phải bán mất giá, ngân hàng hay nhà đầu tư sẽ gánh chịu những tổn thất tài chính lớn. Điều này gọi là rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán.

Rủi ro thanh khoản chứng khoán

Thị trường chứng khoán có mức độ rủi ro nhất định. Nếu một nhà đầu tư sở hữu rất nhiều chứng khoán mà không thể bán ra, luôn chịu thua lỗ theo từng ngày thì có thể hiểu đây chính là rủi ro thanh khoản (mất thanh khoản), nhà đầu tư phải chịu tổn thất nặng nề về tài chính.

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tính thanh khoản chứng khoán

Trong chứng khoán cũng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản, nhờ đó nhà đầu tư xem xét được liệu tính thanh khoản chứng khoán có cao hay thấp trong tương lai hay không.

Đầu tiên chính là sự phát triển tăng trưởng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt với những con số tài chính cho thấy điều đó, thì tính thanh khoản sẽ cao. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có tình trạng kinh doanh không tốt thì tính thanh khoản sẽ thấp.

Thứ hai, tính thanh khoản chịu ảnh hưởng từ chính sách và quy định của Nhà nước. Nếu chính sách có ảnh hưởng tốt đến nền kinh tế thì tính thanh khoản sẽ cao.

Và ngược lại, nếu chính sách hạn chế hoặc làm thị trường chứng khoán lao dốc. Mọi người không đủ niềm tin để đầu tư thì tính thanh khoản sẽ thấp.

Chính những yếu tố trên nên khi lựa chọn đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư cần nghiên cứu rõ về tất cả những tài sản khác có liên quan với doanh nghiệp. Kể cả tình hình kinh doanh để hạn chế được rủi ro của chứng khoán. Đặc biệt có thể phân bổ nguồn vốn phù hợp để hạn chế rủi ro.

Minh Thúy