Chính phủ vẫn chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình…
Theo cơ quan chuyên môn, nếu chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh như trên trong báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, vừa được gửi đến Quốc hội.
Nội dung này sẽ được báo cáo tóm tắt trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, diễn ra sáng nay (23/5).
Cơ quan thẩm tra đánh giá, ở trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành chính sách kinh tế. Nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực, cùng với việc triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Một điểm đặc biệt của 2022 là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023, tập trung cho một số ngành, lĩnh vực…
Trong đó đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế thuộc phạm vi Chương trình.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm, đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế.
Quốc hội cho phép “tăng bội chi ngân sách nhà nước trong hai năm 2022 và 2023 bình quân 1% – 1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), trong đó: năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; đối với phát triển kết cấu hạ tầng, cho phép bổ sung 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhưng, vừa qua Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349,447 tỷ đồng chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.
Nghị quyết số 43 đã được Quốc hội ban hành từ ngày 11/01/2022 nhưng đến nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, mà chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như Chương trình đã đặt ra.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Có ý kiến cho rằng việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nếu không khẩn trương thực hiện sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi học sinh các cấp đã được đến trường.
Vẫn ở chương trình này, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 được đánh giá là chính sách đột phá, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nói rằng, theo phản ánh, thực tế triển khai còn những vướng mắc trong việc rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế VAT cũng như việc xuất hóa đơn thuế VAT. Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp và tập huấn cho cán bộ thuế ở cơ sở để chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Về việc xây dựng phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian Chương trình, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, khẩn trương triển khai nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, để bảo đảm phù hợp với Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đồng thời huy động thêm nguồn lực cho Chương trình trong bối cảnh NSNN bị ảnh hưởng do việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính báo cáo về thời hạn hoàn thành việc sửa đổi Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, cũng như làm rõ trách nhiệm của hai Bộ; việc chậm ban hành văn bản này sẽ tiếp tục gây ách tắc trong sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ, các Bộ, cơ quan cần báo cáo rõ hơn tiến độ triển khai, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; đưa ra giải pháp đột phá, lộ trình, tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, cơ quan và địa phương trong năm 2022- báo cáo thẩm tra phản ánh.
Theo Nhịp sống kinh doanh