Hiện nay nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại trong tình trạng là hết “room” tín dụng (hạn mức tín dụng), nhiều ngân hàng cả lớn và nhỏ đều đề xuất với Ngân hàng Nhà nước là nới thêm hạn mức tín dụng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay (8/6), đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho biết, hiện nay nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, nhất là trong bối cảnh ta đang triển khai gói hỗ trợ 2% của gói 40.000 tỷ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại trong tình trạng hết “room” tín dụng (hạn mức tín dụng), nhiều ngân hàng cả lớn và nhỏ đều đề xuất với Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức tín dụng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay? Cơ chế này có phải can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Khả năng nới “room tín dụng” trong thời gian sắp tới như thế nào?
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Đánh giá rất cao vai trò tích cực của Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý tình trạng sở hữu chéo, tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng vẫn là vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Về số lượng không còn cặp sở hữu chéo nào, “tuy nhiên, vẫn còn đâu đó bên trong sự lòng vòng lắt léo của các mối quan hệ, nhiều nhóm lợi ích đan xen. Thực tế ai cũng biết có những ngân hàng mà khi đọc tên thôi thì chúng ta biết đứng đằng sau đó là các doanh nghiệp và cá nhân nào. Đề nghị Thống đốc có thể cho biết thêm các giải pháp để chúng ta xử lý thật chặt chẽ các vấn đề này”, đại biểu chất vấn.
Trên ghế điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là một câu hỏi rất hay. Lần đầu tiên Quốc hội chất vấn việc phân bổ về hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Từ trước đến nay chưa có nội dung này. Đây là nội dung mà hầu hết các tổ chức tín dụng đang rất quan tâm. Việc cấp tín dụng bằng “room” và hạn mức rồi phân bổ hằng năm như vậy có mang tính hành chính hay không? Đảm bảo được công khai minh bạch như thế nào? Lộ trình bao giờ có thể bỏ được việc này? Quản lý theo rủi ro và theo năng lực của tổ chức tín dụng, đây là vấn đề rất quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc nghiên cứu kỹ để trả lời thỏa đáng nội dung này.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng cũng là một nội dung rất trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong điều hành. Với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, hiện nay dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức là 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất, gần như trong số cao nhất các nước ở trên thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng thì mỗi khi có các cú sốc như COVID 19, biến động của tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lập tức sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, khi ngân hàng mất khả năng chi trả sẽ tạo ra hệ lụy đến cả nền kinh tế. Chính vì vậy, đặt ra kiểm soát tăng trưởng tín dụng là một vấn đề và trên thực tế Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp này từ những năm 2011 và nhận thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trước đây trong thời gian không có kiểm soát về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao. Nhiều năm tăng trưởng tín dụng là trên 30%/năm, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%, như vậy sẽ tạo ra cuộc đua lãi suất để huy động được nguồn tiền để cho vay…
“Chúng tôi cho rằng, đây là giải pháp khá hiệu quả trong thời gian vừa qua và hiện nay đang áp dụng, bởi vì hiện nay hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và dần tiến tới chuẩn mực quốc tế. Trong điều kiện thị trường vốn của chúng ta hiện nay đang trong quá trình phát triển non trẻ và vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì một hội nghị về thị trường vốn, qua đó cũng đã chỉ đạo các bộ, các ngành nghiên cứu để phát triển thị trường vốn.
Khi phát triển thị trường vốn thì đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn từ những phân khúc thị trường này và chỉ vay vốn ngắn hạn phục vụ cho vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hệ thống ngân hàng. Khi đó rõ ràng áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi”, bà Hồng cho biết.
Về tình trạng sở hữu chéo, Thống đốc cho biết, trên thực tế cũng như đại biểu nêu, các cặp có sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp về cơ bản được xử lý.
Việc đại biểu cho rằng, có thể có những lòng vòng hoặc có thể có những cổ đông cố tình giấu tên hoặc là nhờ người khác đứng tên…, điều này cũng đòi hỏi phải qua các cơ quan xác minh mới có thể kết luận.
Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an thực hiện kết nối hệ thống dữ liệu công dân, hệ thống căn cước công dân có gắn chip. Như vậy, tất cả các giao dịch của một cá nhân có căn cước công dân gắn chip đều được lưu giữ lại, sau này các giao dịch trong nền kinh tế ngày càng minh bạch hơn thì việc phát hiện ra những vấn đề không trung thực hoặc nhờ người đứng tên hoặc cố tình che giấu thì cũng sẽ dễ dàng được phát hiện hơn./.
Theo VOV