Trong khi tổng thu NSNN thực hiện năm 2021 vượt 225,1 nghìn tỷ đồng (+16,8%) so với dự toán, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng với số báo cáo Quốc hội thì tổng chi NSNN cũng tăng 167,9 nghìn tỷ đồng (+10%) so với dự toán, tăng 145,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Ngày 11/5, bắt đầu phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp và cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022.

Tại báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2022 do Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ thực hiện, trình Quốc hội, nhiều chỉ tiêu trong kết quả thực hiện thu, chi NSNN năm 2021 khả quan hơn so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10, 11/2021).

Về thu ngân sách, tổng thu NSNN dự toán là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 1.365,5 nghìn tỷ đồng, kết quả thực hiện đạt 1.568,4 nghìn tỷ đồng, vượt 225,1 nghìn tỷ đồng (+16,8%) so dự toán, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội nhờ số thu NSNN đạt khá trong quý 1 và quý 4.

Trong đó, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7%GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1%GDP.

Trong tổng thu ngân sách, thu NSTW vượt 48,9 nghìn tỷ đồng (+6,6%) so dự toán (báo cáo Quốc hội giảm khoảng 28-29 nghìn tỷ đồng). Nếu không kể số thu viện trợ được chi cho mục tiêu cụ thể, thu cân đối NSTW vượt 53,7 nghìn tỷ đồng.

Thu NSĐP về tổng thể vượt gần 176,3 nghìn tỷ đồng (+29,2%) so dự toán (báo cáo Quốc hội tăng khoảng 50-51 nghìn tỷ đồng). Nếu không kể số thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và một số khoản thu không tính cân đối khi giao dự toán thu cho các địa phương và tính cả số thu kết dư NSĐP năm 2020 chuyển sang, thì chỉ có 01 địa phương là tỉnh Tiền Giang bị giảm thu cân đối NSĐP là 1,13 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Về chi ngân sách, tổng dự toán chi NSNN Quốc hội quyết định là 1.687 nghìn tỷ đồng, số báo cáo Quốc hội ước đạt 1.709,2 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, ước thực hiện chi năm 2021 đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán theo quy định đạt 1.854,9 nghìn tỷ đồng, tăng 167,9 nghìn tỷ đồng (+10%) so với dự toán, tăng 145,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Trong đó, chi thường xuyên thực hiện ước đạt 1.053,9 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1 nghìn tỷ đồng (+1,7%) so dự toán, chủ yếu là tăng chi của NSĐP và được bổ sung từ nguồn dự phòng NSTW, dự phòng, dự trữ và các nguồn lực khác của NSĐP để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai…

Chi đầu tư phát triển thực hiện (bao gồm cả số vốn được chuyển nguồn sang năm 2022) ước đạt 515,9 nghìn tỷ đồng, tăng 38,6 nghìn tỷ đồng (+8,1%) so với dự toán, chủ yếu do được bổ sung từ nguồn tăng thu NSĐP và dự phòng ngân sách các cấp.

Về chi trả nợ lãi, thực hiện ước đạt gần 102,6 nghìn tỷ đồng, giảm 7,5 nghìn tỷ đồng (-6,8%) so dự toán, giảm 3,3 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Theo Bộ Tài chính, kết quả trên chủ yếu do công tác phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 phù hợp với tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư, không để tồn đọng vốn vay, giảm số dư nợ vay thời điểm cuối năm 2020 so dự kiến xây dựng dự toán năm 2021.

Ngoài ra, kết hợp với tranh thủ diễn biến thị trường thuận lợi, giảm lãi suất phát hành bình quân phải trả lãi trong năm 2021 thấp hơn khi xây dựng dự toán; đồng thời không phát sinh các khoản chênh lệch tỷ giá, qua đó tiết kiệm chi trả lãi cho NSTW khoảng 6,16 nghìn tỷ đồng ; chi trả nợ lãi của NSĐP giảm 1,34 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Như vậy, với kết quả thu chi ngân sách như trên, bội chi NSNN thực tế khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,41% GDP thực hiện (thấp hơn dự toán là 4%); giảm 57,2 nghìn tỷ đồng so dự toán. Trong đó bội chi NSTW giảm 39,4 nghìn tỷ đồng so dự toán, bội chi NSĐP giảm 17,7 nghìn tỷ đồng.

Đến hết ngày 31/12/2021, dư nợ công bằng khoảng 43,1% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 39,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38,4% GDP, thấp hơn trần quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.

Liên quan đến kết quả thực hiện NSNN năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2022, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường đã đặc biệt lưu ý công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2021 phục vụ việc lập dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 chưa sát thực tiễn.

Đây cũng là điểm lưu ý đầu tiên trong phần đánh giá bổ sung của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về kết quả thực hiện NSNN năm 2021 tại báo cáo tóm tắt thẩm tra liên quan.

Theo đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá nhiều khoản thu tăng rất cao so với dự toán, trong khi nhiều khoản thu chưa được dự toán. Đồng thời hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) vượt dự toán ở mức cao.

Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao năng lực phân tích, dự báo các nguồn thu để tạo cơ sở vững chắc trong việc xây dựng dự toán thu NSNN những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Chính phủ, số thu vượt gần 17% so với báo cáo Quốc hội chủ yếu từ các khoản: thu tiền sử dụng đất (tăng 45,2 nghìn tỷ đồng), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (tăng 45,8 nghìn tỷ đồng), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 18 nghìn tỷ đồng), thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (tăng gần 10,6 nghìn tỷ đồng), thuế thu nhập cá nhân (tăng 14,2 nghìn tỷ đồng), thu tiền cho thuê đất (tăng 11,3 nghìn tỷ đồng), thu phí, lệ phí (tăng 8,1 nghìn tỷ đồng), thu từ dầu thô (tăng 9,44 nghìn tỷ đồng), thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu (tăng 26,33 nghìn tỷ đồng).

Theo Nhịp sống doanh nghiệp