Thị trường chứng khoán chìm trong ‘chảo lửa’ ở phiên giao dịch 7-4, với 747 mã cổ phiếu bị rớt giá. Chỉ số VN-Index chốt phiên giảm hơn 20 điểm. Khối ngoại đảo chiều, bán ròng 530 tỉ đồng.

Có đến 747 mã chứng khoán bị rớt giá trong phiên giao dịch 7-4 – Ảnh: BÔNG MAI

Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính mở đầu phiên giao dịch hôm nay 7-4 trong sắc xanh, nhưng sau đó đảo chiều và chìm trong sắc đỏ đến cuối phiên.

Áp lực bán đè nặng lên hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn như VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), MSN (Masan), NVL (Novaland), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MWG (Thế giới di động), VJC (Vietjet Air)…

Trong nhóm cổ phiếu “vua”, hàng loạt mã chứng khoán của các ngân hàng cũng bị nhà đầu tư bán ra. Vì có vốn hóa đứng đầu sàn chứng khoán, nên việc rớt giá của mã VCB (Vietcombank) đã khiến chỉ số chứng khoán VN-Index càng thêm áp lực. Cùng ngành, nhiều mã khác cũng bị lao dốc như BID (BIDV), TCB (Techcombank), STB (Sacombank)…

Ngược dòng, thị trường vẫn được nâng đỡ bởi dòng tiền đổ vào mua nhiều cổ phiếu khác như MBB (MBBank), DGC (Hóa chất Đức Giang), ACB (ACB), DPM (Đạm Phú Mỹ), DCM (Đạm Cà Mau), PLX (Petrolimex)…

Sau phiên rớt giá hôm qua, sang hôm nay cổ phiếu “họ FLC” có phần phân hóa rõ rệt. Trong đó hai “anh lớn” là FLC (Tập đoàn FLC) và ROS (Xây dựng FLC Faros) đều bị mất giá. Riêng mã HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone) và KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) lại vươn lên sắc xanh. Về phần mã ART (Chứng khoán BOS) hiện đang đứng giá, không tăng cũng không giảm so với phiên liền trước.

Hôm nay chỉ số tăng trưởng cổ phiếu của tất cả các ngành đều rơi xuống mức âm. Bị giảm mạnh phải kể đến cổ phiếu thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, hàng tiêu dùng, bất động sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu, tài chính, năng lượng, công nghệ thông tin.

Dù có những lúc thị trường giằng co, cung vẫn áp đảo cầu, lực bán diễn ra trên diện rộng. Chốt phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm 20,55 điểm (-1,35%) xuống 1.502,35 điểm. Cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng lần lượt rớt 5,22 điểm (-1,17%) xuống 441,61 điểm và 1,03 điểm (-0,88%) xuống 115,81 điểm. Toàn thị trường có tới 747 mã chứng khoán bị rớt giá, chiếm áp đảo so với số lượng mã tăng.

Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn chính đạt hơn 32.100 tỉ đồng. Trong phiên khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 530 tỉ đồng, trong khi phiên trước mua ròng.

Chứng khoán thế giới “đỏ lửa”

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đồng loạt giảm điểm, trong đó Nasdaq có mức giảm mạnh nhất – 2,2% khi chốt phiên giao dịch 6-4.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 1,53%, trong khi chỉ số chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương không kể Nhật Bản giảm 1,2%.

Theo biên bản cuộc họp ngày 15 và 16-3 vừa qua, giới chức thuộc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nhất trí sẽ cắt giảm 60 tỉ USD/tháng trong lượng trái phiếu chính phủ đang nắm giữ và 35 tỉ USD đối với các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.

Đây là công cụ mà FED dự kiến thực hiện trong 3 tháng để ứng phó với lạm phát. Ngân hàng Trung ương Mỹ đang chịu áp lực phải kiềm chế lạm phát, vốn đã tăng lên các mức cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, mà không quá thắt chặt các điều kiện tài chính đến mức kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế.