Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ trong khi lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát.
Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 4,72% quý I/2021). Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 51,08% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ đóng góp 43,16%…
Trong quý I/2022, sản xuất công nghiệp là một trong những điểm sáng lớn nhất. Theo thống kê, sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc. Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước có gần 34.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 471.200 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 243.500 lao động (tăng 18,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước).
Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2022 lên 60.200 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân một tháng trong quý I có 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, dự kiến quý II/2022, có 50% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I; 32,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Cùng với đó, tính chung quý I năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này này cho thấy sức mua của người tiêu dùng tiếp tục cho thấy đà hồi phục.
Sau một thời gian “đóng băng” do COVID-19, hoạt động du lịch quốc tế cũng đang cho thấy đà hồi phục mạnh mẽ. Tính chung quý I năm 2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong quí I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 27,6 tỷ USD.
Lạm phát tăng 0,81%
Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
“Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới, cùng với đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia và trong nước, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý I năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.
Theo VTV