Trong tình hình như hiện nay, để có thể duy trì tăng trưởng, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang đặt ưu tiên vào việc áp dụng công nghệ và hợp tác trong vận hành.
Sáng 09/03/2022, Hội thảo “Vượt qua đại dịch – Chuyển đổi số để phục hồi và tăng trưởng sản xuất” do VCCI tổ chức đã diễn ra trực tuyến.
Chuyển đổi số cũng là kết nối
Lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, sản xuất vẫn đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu từ Statista, tỷ trọng đóng góp vào GDP của lĩnh vực sản xuất mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2015 mới chỉ có 13,69% thì năm vừa qua, sản xuất đã đóng góp tới 25,13%.
Tuy hoạt động sản xuất đã có sự phục hồi mạnh, nhưng vẫn có những thách thức rất lớn do xáo trộn vì COVID-19 gây ra, như là chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu hụt lao động hay chi phí tăng cao.
Trong tình hình như hiện nay, để có thể duy trì tăng trưởng, theo khảo sát của hãng phần mềm Epicor, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang đặt ưu tiên vào việc áp dụng công nghệ và hợp tác trong vận hành. Đây chính là cơ hội của chuyển đổi số vào sản xuất của các nhà sản xuất Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, giám đốc vùng của Epicor cho biết, có khoảng 49% các nhà sản xuất đã sử dụng điện toán đám mây cho phần lớn hoặc tất cả các quy trình kinh doanh của họ. Trong khi đó, có 80% các nhà sản xuất có kế hoạch chuyển toàn bộ hoặc phần lớn các giải pháp của họ lên đám mây trong năm tới.
Theo bà Dung, các giải pháp chuyển đổi số cho sản xuất có rất nhiều điểm đặc thù. Mỗi một ngành sản xuất hay một ngành hẹp, ví dụ như nội thất, cơ khí, v.v. đều có những đòi hỏi riêng. Vì thế, ngành sản xuất đòi hỏi một giải pháp phần mềm chuyên sâu và phù hợp với ngành của mình. Tức là phần mềm sản xuất khó có thể mua đại trà được trên thị trường phần mềm. Epicor là một giải pháp chuyên biệt xây dựng cho từng ngành sản xuất.
Sản xuất 4.0
Theo quan điểm của ông Giang Minh Vương, kỹ sư giải pháp của Epicor, chuyển đổi số chính là tạo ra các sự liên kết về mặt dữ liệu giữa tất cả các bộ phận. Hệ thống ứng dụng của Epicor có 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là IoT, kết nối tất cả các thiết bị sản xuất và theo dõi dữ liệu từ xa tức thời. Thứ hai là phân tích quản trị vừa bao quát và vừa chi tiết. Thứ ba là chuyển đổi ứng dụng hạ tầng lên điện toán đám mây. Và cuối cùng là ứng dụng công nghệ để tương tác với khách hàng.
Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp sản xuất thay đổi cuộc chơi kinh doanh của mình vì đây không chỉ là hệ thống quản trị thông tin đơn thuần, mà là giải pháp để biến nhà máy hiện tại trở thành một nhà máy thông minh. Nhà quản trị có thể ngồi một chỗ và theo dõi hoạt động của bất kỳ bộ phận nào trong nhà máy một cách tức thời, có thể lên kế hoạch và nắm ngay được dự trù kinh phí. Nhân viên có thể làm việc được từ ở bất kỳ vị trí nào mà vẫn có tính bảo mật cao.
Là một nhà sản xuất lớn, Công ty TNHH Rochdale Spears cũng tìm đến giải pháp chuyển đổi số để vượt qua đại dịch. Ông Nguyễn Đình Giang, giám đốc công nghệ Rochdale Spears chia sẻ, công ty đã có những tháng ngày rất vất vả vì giãn cách, cách ly 2-3 tháng. Chính những khoảng thời gian đó, ban lãnh đạo công ty đã có những nhìn nhận tình hình, công ty đang phụ thuộc quá nhiều vào sức người và yếu tố dịch bên ngoài. Ban lãnh đạo quyết định chuyển đổi số để giải quyết vấn đề.
Rochdale Spears đề ra 5 tiêu chí cho chuyển đổi số: Tập trung vào khách hàng, Tối ưu chi phí, Tối ưu dòng tiền, Tái cấu trúc quy trình doanh nghiệp và Hiện đại hóa các hoạt động. Từ 5 tiêu chí đó, công ty đã tiến hành khảo sát rất nhiều nhà cung cấp phần mềm nổi tiếng trên thị trường, thậm chí cả phần mềm mã nguồn mở. Cuối cùng công ty quyết định triển khai Epicor vì giải pháp này tương đối “may đo” phù hợp với nhu cầu của mình.
Theo khảo sát của VCCI, đại đa phần các doanh nghiệp đều đánh giá COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực và rất tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Có đến 53,6% doanh nghiệp bị suy giảm năng lực sản xuất vì các hạn chế hoạt động, và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tuy chuyển đổi số là một giải pháp mạnh để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng vẫn có khoảng 20% doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa có kế hoạch chuyển đổi số. Một trong những rào cản đó là các doanh nghiệp “không biết bắt đầu từ đâu”, điều đó cũng có nghĩa là chọn đối tác là việc vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, những giải pháp đã được “may đo” cho ngành sản xuất như Epicor là một trường hợp tham khảo rất đáng thử.
TS Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, VCCI khẳng định: Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI đã luôn có nhiều hoạt động để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đại hội VCCI lần thứ 7 diễn ra vào cuối năm 2021 đã xác định ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, trong đó việc hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội thảo hôm nay cũng là một trong những chuỗi hoạt động của VCCI nhằm thực hiện đột phá chiến lược này để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là nhóm ngành có yêu cầu đặc biệt về khả năng làm chủ công nghệ và kỹ thuật trong sản xuất, là động lực cho quá trình chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dịch chuyển theo chiều sâu.
Ông Huân cũng hy vọng: “thông qua hội thảo này sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số mà còn giúp kết nối doanh nghiệp đến với các đối tác, các nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật số dựa trên nhu cầu về công nghệ để giúp tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai thực hiện thành công các bước chuyển đổi số trong doanh nghiệp”.