Dư nợ cho vay với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc cuối năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước tại 17 trong số 32 ngân hàng Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Trong số này có ngân hàng quốc doanh Trung Quốc CITIC Bank và China Minsheng Bank – ngân hàng tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Shengjing Bank đã giảm cho vay với các công ty bất động sản, sau khi tăng hạn mức gần gấp đôi trong năm 2020. Evergrande, công ty bất động sản vay nợ lớn nhất Trung Quốc, là cổ đông lớn của ngân hàng này.
Nhiều ngân hàng địa phương hành động mạnh tay hơn như China Bohai Bank ở Thiên Tân, giảm dư nợ cho vay bất động sản 32%. Tổng dư nợ cho vay bất động sản tại 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với tổng dư nợ cho vay và giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 2 con số duy trì trong giai đoạn 2017 – 2020.
Nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu Evergrande hủy 39 tòa nhà đang xây dựng ở tỉnh Hải Nam. Ảnh: Reuters.
Nhiều khoản cho vay bất động sản không hiệu quả khiến các tổ chức tài chính hướng đến giảm rủi ro liên quan, đẩy những công ty trong ngành đang gặp khó khăn còn ít lựa chọn. Các nhà băng cũng thận trọng trước nỗ lực kiểm soát thị trường bất động sản từ nhà chức trách Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu siết kiểm soát với các khoản vay bất động sản từ năm 2020, vạch ra 3 “lằn ranh đỏ” để không khuyến khích cho vay với những công ty có vấn đề về tài chính. Các biện pháp hạn chế cho vay thế chấp và giảm cho vay với lĩnh vực bất động sản được triển khai sau đó.
China Everbright Bank, dư nợ cho vay bất động sản giảm 12% trong năm 2021, nhấn mạnh ngân hàng này “tuân thủ nguyên tắc chung ‘nhà là để ở, không phải để đầu cơ’” và tăng cường giám sát sử dụng khoản vay.
Rủi ro từ lĩnh vực bất động sản được phản ánh qua sự gia tăng nợ xấu. Tại 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, tỷ lệ nợ xấu bất động sản tăng hơn 1 điểm phần trăm lên 3,8% trong năm 2021, ngay cả khi tỷ lệ nợ xấu nói chung có cải thiện. Một số ngân hàng nhỏ như Jinshang Bank ở tỉnh Sơn Tây có tỷ lệ nợ xấu bất động sản vượt 10%.
Rủi ro từ lĩnh vực bất động sản “có thể quản trị được”, nhưng “các ngân hàng cần đa dạng hóa” danh mục cho vay ngoài bất động sản, Banny Lam, giám đốc nghiên cứu tại CEB International Investment, Hong Kong, nhận định.
Theo Người đồng hành