Lợi thế thương mại là khái niệm thường được nhắc đến trong giao dịch M&A và Hợp nhất Báo cáo tài chính. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hiểu rõ về khoản mục này. GCL INVEST sẽ chia sẻ đến bạn đọc trong bài viết này: Lợi thế thương mại là gì? Hạch toán lợi thế thương mại và Ví dụ về Lợi thế thương mại.

Lợi thế thương mại (Goodwill) là gì? Cách tính và ví dụ về Lợi thế thương mại

Theo chuẩn mực kế toán số 11 (VAS 11) – Hợp nhất kinh doanh:

Lợi thế thương mại: Là những lợi ích kinh tế trong tương lai phát sinh từ các tài sản không xác định được và không ghi nhận được một cách riêng biệt.

Theo Thông tư số 202/2014/TT-BTC – Hướng dẫn lập BCTC hợp nhất

Lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua rẻ được xác định là chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua do công ty mẹ nắm giữ (thời điểm công ty mẹ nắm giữ quyền kiểm soát công ty con).

Tìm hiểu về lợi thế thương mại

  • Lợi thế thương mại được phát sinh từ việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại được thể hiện bằng một khoản chi phí do bên mua thực hiện thanh toán để thu được những lợi ích kinh tế ở tương lai
  • Trong bảng cân đối kế toán thì lợi thế thương mại được trình bày trong một chỉ tiêu riêng được xảy ra ở báo cáo tài chính hợp nhất tập đoàn khi công ty mẹ mua lại công ty con

Tính toán lợi thế thương mại

Công thức tính lợi thế thương mại 

Lợi thế thương mại = Giá trị hợp nhất kinh doanh – (%sở hữu) x giá trị tài sản thuần theo giá trị hợp lý

Lợi thế thương mại được tính ở trên là chênh lệch giữa tổng số tiền mua lại công ty và các tài sản có thể nhận dạng được.

Ví dụ:

Công ty A mua lại công ty B với giá 100 tỷ đồng. Toàn bộ giá trị tài sản hiện có của công ty B (tiền mặt, nhà cửa, ô tô, bất động sản, giá trị thương hiệu khi định giá…) này là 50 tỷ đồng. Giá trị các khoản nợ của công ty B là 10 tỷ đồng.

Như vậy công ty B có giá trị tài sản thuần là 40 tỷ đồng. Chi phí mà công ty A mua công ty B là 100 tỷ đồng. Như vậy chênh lệch 60 tỷ đồng số tiền chênh lệch này người ta gọi đó là lợi thế thương mại.

Hạch toán lợi thế thương mại

Theo quy định VAS 11

50. Tại ngày mua, bên mua sẽ:

a) Ghi nhận lợi thế thương mại phát sinh khi hợp nhất kinh doanh là tài sản; và

b) Xác định giá trị ban đầu của lợi thế thương mại theo giá gốc, là phần chênh lệch của giá phí hợp nhất so với phần sở hữu của bên mua trong giá trị hợp lý thuần của tài sản, nợ phải trả có thể xác định được và các khoản nợ tiềm tàng đã ghi nhận theo quy định tại đoạn 36.

51. Lợi thế thương mại phát sinh khi hợp nhất kinh doanh thể hiện khoản thanh toán của bên mua cho những lợi ích kinh tế ước tính thu được trong tương lai từ những tài sản không đủ tiêu chuẩn ghi nhận và không xác định được một cách riêng biệt.

52. Nếu các tài sản, nợ phải trả có thể xác định được và các khoản nợ tiềm tàng của bên bị mua không thỏa mãn tiêu chuẩn trong đoạn 37 về ghi nhận riêng biệt tại ngày mua thì sẽ ảnh hưởng đến khoản lợi thế thương mại được ghi nhận (được kế toán theo đoạn 55), bởi vì lợi thế thương mại được xác định là phần giá trị còn lại trong giá phí của hợp nhất kinh doanh sau khi ghi nhận tài sản, nợ phải trả có thể xác định được và khoản nợ tiềm tàng của bên bị mua

53. Lợi thế thương mại được ghi ngay vào chi phí sản xuất, kinh doanh (nếu giá trị nhỏ) hoặc phải được phân bổ dần một cách có hệ thống trong suốt thời gian sử dụng hữu ích ước tính (nếu giá trị lớn). Thời gian sử dụng hữu ích phải phản ánh được ước tính đúng đắn về thời gian thu hồi lợi ích kinh tế có thể mang lại cho doanh nghiệp. Thời gian sử dụng hữu ích của lợi thế thương mại tối đa không quá 10 năm kể từ ngày được ghi nhận.

Phương pháp phân bổ phải phản ánh được cách thức thu hồi lợi ích kinh tế phát sinh từ lợi thế thương mại. Phương pháp đường thẳng được sử dụng phổ biến trừ khi có bằng chứng thuyết phục cho việc áp dụng phương pháp phân bổ khác phù hợp hơn. Phương pháp phân bổ phải được áp dụng nhất quán cho các thời kỳ trừ khi có sự thay đổi về cách thức thu hồi lợi ích kinh tế của lợi thế thương mại đó.

54. Thời gian phân bổ và phương pháp phân bổ lợi thế thương mại phải được xem xét lại cuối mỗi năm tài chính. Nếu thời gian sử dụng hữu ích của lợi thế thương mại khác biệt lớn so với ước tính ban đầu thì phải thay đổi thời gian phân bổ. Nếu có sự thay đổi lớn về cách thức thu hồi lợi ích kinh tế trong tương lai do lợi thế thương mại đem lại thì phương pháp phân bổ cũng phải thay đổi. Trường hợp này phải điều chỉnh chi phí phân bổ của lợi thế thương mại cho năm hiện hành và các năm tiếp theo và phải được thuyết minh trong báo cáo tài chính.

Phương pháp phân bổ lợi thế thương mại

Lợi thế thương mại phát sinh tại ngày mua

  • Được phân bổ dần đều vào kết quả hoạt động kinh doanh theo phương pháp đường thẳng
  • Thời gian phân bổ không quá 10 năm
  • Trường hợp số tổn thất lợi thế thương mại trong năm lớn hơn số phân bổ hàng năm theo phương pháp đường thẳng thì thực hiện phân bổ lợi thế thương mại theo số bị tổn thất

Hạch toan lợi thế thương mại trong kỳ đầu tiên

Bên nợ: Chi phí quản lý doanh nghiệp (Lợi thế thương mại phân bổ trong kỳ)

Bên có: Lợi thế thương mại (Lợi thế thương mại phát sinh trong kỳ

Hạch toán lợi thế thương mại từ kỳ thứ 2 trở đi

Bên nợ: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (Số lợi thế thương mại đã phân bổ lũy kế đến cuối kỳ trước)

Bên nợ: Chi phí quản lý doanh nghiệp (Số lợi thế thương mại phân bổ ở trong kỳ báo cáo

Bên có: Lợi thế thương mại (Đã phân bổ lũy kế đến cuối kỳ báo cáo)

Bút toán tiêu chỉnh lợi thế thương mại

Bên nợ: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ

Bên có: Lợi thế thương mại

Minh Thúy