(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất gây sốc bất chấp lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 24 năm và đồng lira đã giao dịch gần mức thấp kỷ lục.

Hôm thứ Năm (18/8), Ủy ban Chính sách Tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ (MPC) đã hạ lãi suất xuống 13% sau khi giữ lãi suất ở mức 14% kể từ tháng 12/2021.

Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 7 đã tăng 79,6% so với năm ngoái, mức cao nhất trong 24 năm, khi nước này vật lộn với chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao và chiến lược không chính thống lâu dài của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về chính sách tiền tệ.

MPC báo hiệu rằng họ chỉ phản ứng với khả năng sản xuất chậm lại và không bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ và cho biết “mức cập nhật của lãi suất chính sách là phù hợp với triển vọng hiện tại”.

MPC cho biết: “Điều quan trọng là các điều kiện tài chính vẫn hỗ trợ để duy trì đà tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp và xu hướng tích cực của việc làm trong thời kỳ những bất ổn liên quan đến tăng trưởng toàn cầu gia tăng cũng như rủi ro địa chính trị leo thang”.

Được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng với tốc độ kỷ lục kể từ đại dịch và là một trong những mức tăng nhanh nhất trong nhóm các quốc gia G20. Nhưng ngân hàng trung ương hiện đang cảnh báo về “một số yếu tố làm mất động lực trong hoạt động kinh tế” vào đầu quý III.

“Chúng tôi không thấy động lực kinh tế nào đằng sau quyết định này và thay vào đó xem các điều kiện kinh tế vĩ mô là yếu tố đảm bảo cho một đợt tăng giá mạnh. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương đã chọn sự ưu tiên của giới lãnh đạo chính trị để giảm lãi suất đi vay để tập trung vào tăng trưởng”, Selva Bahar Baziki, nhà kinh tế học Bloomberg Economics cho biết.

Điều kiện kinh doanh giữa các nhà máy sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 7 đã xấu đi nhiều nhất kể từ tháng 5/2020 sau khi sản lượng và các đơn đặt hàng mới có hiệu suất kém nhất kể từ đợt đại dịch Covid đầu tiên. Mối đe dọa về suy thoái ở châu Âu là một nỗi lo lớn đối với một ngành công nghiệp hiện chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Quyết định của ngân hàng trung ương hôm nay nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ nền kinh tế trong nước đồng thời cho phép các biện pháp bảo đảm vĩ mô và các yếu tố bên ngoài để giảm áp lực lạm phát. Việc nới lỏng lãi suất chính sách để hỗ trợ tăng trưởng cho thấy rằng việc đưa lạm phát trở lại mức bình thường không còn là mục tiêu chính nữa”, Simon Harvey, Trưởng bộ phận phân tích FX tại Monex Europe Ltd. cho biết.

Dự trữ ngoại hối trên đà tăng

Tổng dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng hơn 15 tỷ USD trong ba tuần qua và có thể khiến ngân hàng trung ương tự tin rằng họ có thể chịu được áp lực, đặc biệt là khi các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh.

Ngân hàng trung ương hiện dự đoán lạm phát sẽ đạt mức cao khoảng 85% vào mùa Thu này, trước khi kết thúc năm gần 60%, hoặc gấp 12 lần mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Per Hammarlund, trưởng chiến lược gia về các thị trường mới nổi tại SEB AB cho biết: “Rõ ràng là sự gia tăng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng trước đã khuyến khích ngân hàng cắt giảm lãi suất”.

“Với bối cảnh toàn cầu thuận lợi hơn – cụ thể là kỳ vọng lãi suất giảm – so với đầu năm nay và dòng vốn từ Nga, việc cắt giảm lãi suất không có khả năng gây ra khủng hoảng niềm tin ngay lập tức vào đồng lira. Tuy nhiên, với việc lạm phát được dự báo tăng tốc trở lại vào tháng 10 hoặc tháng 11, đồng lira sẽ gặp khó khăn”, ông cho biết.

Thay vì lãi suất cao hơn, ngân hàng trung ương đã triển khai các biện pháp bảo đảm vĩ mô giúp làm chậm đà tăng trưởng cho vay trong tháng 7. Họ cũng dựa vào các biện pháp can thiệp cửa sau và sự ra đời của các tài khoản được nhà nước hậu thuẫn để bảo vệ người tiết kiệm khỏi sự yếu kém của lira.

Cách tiếp cận này đã đưa lạm phát tăng phi mã gần 80% và khiến đồng lira dễ bị bán tháo. Đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số năm đồng tiền có hoạt động kém nhất thế giới trong năm nay so với đồng đô la và đã mất khoảng 25% giá trị.

Chiến dịch nới lỏng tiền tệ mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đã đi ngược lại với những phần còn lại của thế giới khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh nhất kể từ những năm 1980.

Henrik Gullberg, chiến lược gia vĩ mô tại Coex Partners Limited ở London cho biết: “Việc cắt giảm lãi suất khi phần còn lại của thế giới đang tăng lãi suất và lạm phát ở mức cao hàng thập kỷ là điều điên rồ. Họ sẽ phải tiếp tục can thiệp vào thị trường, trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn để đảm bảo đồng lira ổn định. Hầu hết những người tham gia thị trường có thể sẽ tiếp tục mong đợi những điều bất ngờ trước cuộc bầu cử vào năm tới”.

Theo Tin nhanh chứng khoán