(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Đừng chống lại Fed; Dò đáy trung hạn; Lựa chọn kênh đầu tư giữa cơn gió nghịch; Lạm phát cao của Mỹ có còn đáng sợ?…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 19/7 giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 0,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 63,30 – 65,32 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ nhích nhẹ 0,7 USD lên mức 1.709,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục nhích lên và lên gần 1.720 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,55 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.224 đồng/USD, giảm 21 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.290 – 23.570 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng ở mốc 22.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã hạ nhiệt nhẹ về gần 22.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,81 USD (-0,79%), xuống 101,79 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,14 USD (-1,07%), xuống 105,13 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

Diễn biến ảm đạm tiếp diễn trong phiên hôm nay, VN-Index tiếp tục rung lắc trong biên độ hẹp quanh tham chiếu trong gần như cả ngày khi dòng tiền vẫn chưa quay trở lại.

Nhóm chứng khoán và thép, cùng một số mã ngân hàng sau thời gian ngắn khởi sắc trở lại đã nhanh chóng bị chốt lời sớm, gây sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, lực bán không quá mạnh.

Dòng tiền có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu phòng thủ như xăng dầu, khí đốt, điện (điện khí, thủy điện), nước, dược phẩm, dầu khí… giúp nhiều cổ phiếu trong nhóm giao dịch tích cực.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,62 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 359,65 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/7: VN-Index tăng 1,84 điểm (+0,16%), lên 1.178,33 điểm; HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,07%), xuống 284,43 điểm; UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,48%), lên 87,89 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đảo chiều giảm điểm về cuối phiên trong ngày thứ Hai (18/7), do nhóm ngân hàng hạ độ cao và sức ép của cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là Apple sau thông báo cắt giảm việc tuyển dụng và chi tiêu trong năm tới.

Theo đó, cả ba chỉ số chính khoán của Mỹ đều nhích lên ngay khi mở cửa với kết quả kinh doanh của các ngân hàng là Bank of America và Goldman Sachs, nhưng các cổ phiếu này sau đó hạ nhiệt đã ảnh hưởng đến thị trường.

Ngoài ra, sức ép xuất hiện thêm từ Apple, sau khi Bloomberg đưa tin Apple có kế hoạch giảm tuyển dụng và đầu tư tăng trưởng trong năm sau để ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế, khiến giá cổ phiếu đảo chiều và giảm 2,1%.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số Dow Jones giảm 215,65 điểm (-0,69%), xuống 31.072,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,31 điểm (-0,84%), xuống 3.830,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 92,37 điểm (-0,81%), xuống 11.360,05 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, mặc dù mức tăng còn khiêm tốn khi giới đầu tư hạn chế đặt cược trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,65% lên 26.961,68 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,54% lên 1.902,79 điểm.

Cổ phiếu của các ngành công nghiệp nặng Nhật Bản là một trong những ngành có hoạt động mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi một báo cáo cuối tuần trước rằng, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ không đặt trần chi tiêu quốc phòng trong ngân sách hàng năm tới.

Theo đó, các cổ phiếu Kawasaki Heavy Industries Ltd tăng 5,22% và Mitsubishi Heavy Industries Ltd tăng 2,5%.

Ngay cả khi cổ phiếu của Apple sụt giảm đêm qua trên phố Wall, sau khi Bloomberg đưa tin rằng Apple có kế hoạch cắt giảm việc tuyển dụng trong năm tới, nhưng các nhà cung cấp Nhật Bản dường như không bị ảnh hưởng rộng rãi.

Sony Group Corp, nhà cung cấp cảm biến hình ảnh chính của Apple, tăng 2,32%. Các nhà sản xuất linh kiện khác như Murata Manufacturing Co Ltd và Taiyo Yuden Co Ltd lần lượt tăng 0,24% và 1,1%.

Chứng khoán Trung Quốc giao dịch giằng co, khi các ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng, trong khi các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về lĩnh vực bất động sản sau khi người mua nhà đe dọa ngừng thanh toán thế chấp đối với các căn hộ chưa hoàn thiện.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,04% xuống 3.279,43 điểm. Chỉ số Csi 300 bluechip giảm 0,54% xuống 4.269,34 điểm.

Nomura cho biết 41 thành phố của Trung Quốc hiện đang thực hiện phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, đe dọa ảnh hưởng đến 22,8% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

“Covid-19 bùng phát làm suy giảm tâm lý thị trường ở một mức độ nào đó, nhưng mối quan tâm chính vẫn là tính bền vững của sự phục hồi kinh tế, trong khi cũng có những lo lắng về lĩnh vực bất động sản đang chậm lại,” Wang Mengying, một nhà phân tích tương lai chỉ số chứng khoán tại Nanhua Futures cho biết.

Trung Quốc có thể cho phép các chủ nhà tạm dừng thanh toán thế chấp đối với các dự án bất động sản bị đình trệ mà không bị phạt, Bloomberg News đưa tin.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người mua nhà đe dọa sẽ tạm dừng thanh toán thế chấp cho đến khi các chủ đầu tư tiếp tục xây dựng những căn nhà đã bán trước.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do ảnh hưởng từ đà đi xuống của các cổ phiếu công nghệ và bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,89% xuống 20.661,06 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1% xuống 7.09739 điểm.

Phiên này, cổ phiếu của những gã khổng lồ công nghệ và các nhà phát triển bất động sản Đại lục đều giảm 1,6% và tác động lớn nhất đến thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi các nhà sản xuất chip kết thúc đợt tăng giá trong hai phiên.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 4,28 điểm, tương đương 0,18% xuống 2.370,97 điểm, sau khi chạm mức cao nhất gần ba tuần trong phiên trước đó.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,62% và SK Hynix mất 0,99%, sau khi tăng mạnh trong hai phiên trước đó lên mức cao nhất kể từ giữa tháng Sáu.

Kết thúc phiên 19/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 173,21 điểm (+0,65%), lên 26.961,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,34 điểm (+0,04%), lên 3.279,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 185,12 điểm (-0,89%), xuống 20.661,06 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,27 điểm (-0,18%), xuống 2.370,97 điểm.

Theo Tin nhanh chứng khoán