(ĐTCK) Hai doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất đều có dấu hiệu rủi ro cho trái chủ.

“Kín tiếng” Vạn Trường Phát

Báo cáo tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 của Bộ Tài chính cho thấy, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản là hai nhóm có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021, trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Vạn Trường Phát) dẫn đầu nhóm bất động sản với giá trị trái phiếu 8.000 tỷ đồng.

Thông tin trên website của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, từ tháng 6 – 10/2021, Vạn Trường Phát đã phát hành 4 lô trái phiếu, mỗi đợt 2.000 tỷ đồng; đợt phát hành thứ năm cũng có giá trị 2.000 tỷ đồng, thực hiện từ giữa tháng 11/2021 nhưng đầu tháng 2/2022 mới hoàn thành.

Cả 5 lô trái phiếu của Vạn Trường Phát đều có kỳ hạn 5 năm. Lãi suất trái phiếu là 10%/năm đối với 2 kỳ tính lãi đầu tiên kể từ ngày phát hành; từ kỳ tính lãi thứ ba trở đi, lãi suất là 4,5%/năm cộng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó, nhưng không thấp hơn 10%/năm.

Có 4/5 lô trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản là giá trị bất động sản liên quan và phát sinh từ khu đất 78 ha thuộc dự án Khu đô thị Việt Phát tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An (lô trái phiếu thứ năm không có thông tin về tài sản đảm bảo).

Trong các báo cáo phát hành trái phiếu (trừ đợt phát hành thứ năm), Vạn Trường Phát cho hay, mục đích phát hành là thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Việt Phát.

Theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Vạn Trường Phát thành lập ngày 26/6/2019 với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Star Zone; trụ sở tại tầng 2, toà nhà CT Office Building, 56 Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM; ngành nghề chính là xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, tư vấn bất động sản.

Tại thời điểm thành lập, Vạn Trường Phát có vốn điều lệ 320 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Vương Tuấn Minh (sở hữu 15%), bà Huỳnh Bảo Vy (sở hữu 30%), bà Nguyễn Kiều Lệ (sở hữu 55%).

Ngày 28/5/2021, Vạn Trường Phát tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, đến cuối năm 2021 tăng vốn lần nữa lên 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty là bà Nguyễn Kiều Lệ.

Theo công bố địa chỉ website trên HNX là www.congtyvantruongphat.com, nhưng thực tế thì website vẫn đang trong tình trạng “under construction” (đang xây dựng).

Vạn Trường Phát đã huy động được 10.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, trong đó dùng 8.000 tỷ đồng để mua một phần dự án từng “đắp chiếu” nhiều năm.

Về kết quả kinh doanh, theo thông tin báo chí, Vạn Trường Phát có hai năm 2019 và 2020 kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu trong cả hai năm đó, hàng tồn kho thời điểm cuối năm cũng là con số 0.

Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, Vạn Trường Phát tăng vốn điều lệ gấp gần 10 lần, rồi liên tiếp phát hành 5 đợt trái phiếu với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng, riêng đợt phát hành thứ năm không cho biết mục đích phát hành.

Tân Thành Long An có dự án chưa được giãn tiến độ

Dự án Khu đô thị Việt Phát mà Vạn Trường Phát dùng làm tài sản đảm bảo cho 4 đợt phát hành trái phiếu trong năm 2021 là một phần của tổ hợp dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát có diện tích 1.800 ha, trong đó cấu phần khu công nghiệp do Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (Tân Thành Long An) làm chủ đầu tư.

Tân Thành Long An cũng nằm trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021, với giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 20/5/2021, Công ty huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm đầu tư, phát triển dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Việt Phát.

Tại thời điểm phát hành trái phiếu, vốn chủ sở hữu của Tân Thành Long An là 1.914 tỷ đồng. Như vậy, giá trị trái phiếu phát hành gấp gần 2,7 vốn chủ sở hữu.

Được biết, Tân Thành Long An thành lập tháng 11/2005 do ông Lê Thành (sinh năm 1974) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Thành từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), hiện tại giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lavifood, Chủ tịch sáng lập Tân Thành Holdings…

Về dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát, đây là tổ hợp dự án được UBND tỉnh Long An đồng ý lần đầu về chủ trương đầu tư năm 2005, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2010 với tiến độ quy định là hoàn thành việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vào tháng 10/2015. Tuy nhiên, dự án không đảm bảo tiến độ, giấy chứng nhận đầu tư dự án phải điều chỉnh nhiều lần.

Sau đó, UBND tỉnh Long An có văn bản đồng ý cho gia hạn tiến độ, đến năm 2020 phải hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp và tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp, nhưng đến ngày 17/5/2020 dự án mới chính thức được khởi công.

Đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các cơ quan liên quan thanh tra toàn diện dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát. Đồng thời, UBND tỉnh Long An có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chưa thống nhất cho giãn tiến độ đối với dự án này.

Cần “soi” kỹ thực lực doanh nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, 10 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.

Đáng lưu ý, có tình trạng doanh nghiệp này phát hành trái phiếu doanh nghiệp để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, lấy tiền cho doanh nghiệp khác vay, hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng với một khách hàng, nhóm khách hàng.

Theo quy định, kể từ ngày 1/1/2021, chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cụ thể là các cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, thông qua công tác quản lý, giám sát và tổ chức đoàn kiểm tra, Bộ Tài chính cho biết, có hiện tượng lách quy định của pháp luật trong việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tức có những nhà đầu tư không chuyên nghiệp cũng được xác nhận là chuyên nghiệp nhằm được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, bởi trái phiếu này thường có lãi suất cao.

Nhận xét về thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup (doanh nghiệp chuyên xếp hạng tín nhiệm và phân tích doanh nghiệp) nói: “Nhiều nhà đầu tư “nhắm mắt” mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao, nhưng không nắm bắt được hoạt động cũng như thực lực của doanh nghiệp phát hành. Nếu một ngày nào đó, tài khoản không “ting ting” nữa (tin nhắn nhận lãi trái phiếu), thì có lẽ họ cũng không biết đòi tiền ở đâu”.

Theo : Tin nhanh chứng khoán