(ĐTCK) Sau khi chi phối Tập đoàn Đại Dương (mã OGC), IDS Equity Holdings đang có những nước đi rõ ràng hơn tại OCH – công ty con của OGC.

IDS Holdings vào OCH thế nào?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã OGC) diễn ra vào đầu năm nay, nhóm cổ đông IDS Equity Holdings cho biết đã nắm giữ cổ phần chi phối OGC, nhưng không tiết lộ tỷ lệ cụ thể.

Nhóm cổ đông mới của OGC cũng chia sẻ tham vọng với Công ty cổ phần One Capital Hospitality (mã OCH) – công ty con chủ chốt của Tập đoàn. OCH có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, ngành nghề chính là kinh doanh khách sạn và sản xuất, chế biến thực phẩm, với việc sở hữu chuỗi khách sạn StarCity và Sunrise cùng mảng thực phẩm là bánh Givral và Kem Tràng Tiền. Theo đó, lãnh đạo Công ty khẳng định, “trong thời gian tới, với đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và năng lực tài chính đến từ các nhà đầu tư, định chế tài chính, ngân hàng và công ty bất động sản, OCH sẽ phát triển mạnh mẽ”.

Theo tìm hiểu, IDS Equity Holdings tiền thân là doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động từ năm 1986 trong lĩnh vực dịch vụ in ấn. Từ năm 2018, Công ty chuyển mô hình hoạt động sang mua lại, tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong đó, thâu tóm OCG là một trong những thương vụ đáng chú ý nhất của tập đoàn này thời gian gần đây.

Đầu năm nay, Tập đoàn Đại Dương (OGC) cũng miễn nhiệm 4/5 thành viên Hội đồng quản trị, gồm ông Mai Hữu Đạt (Chủ tịch Hội đồng quản trị), ông Nguyễn Thành Trung, ông Bùi Anh Sang và bà Nguyễn Thị Phường; đồng thời, bầu bổ sung bà Lê Thị Việt Nga (Chủ tịch Hội đồng quản trị), bà Phạm Thị Hồng Nhung, bà Trần Thị Ngọc Bích và bà Nguyễn Thị Lan Hương. Ngoài ra, OGC cũng bổ nhiệm bà Phạm Thị Hồng Nhung thay ông Lò Hồng Hiệp giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Được biết, bà Nhung sinh năm 1980, trước khi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc OGC đã có thời gian làm Trưởng ban Kiểm soát tại Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – TEDI, Trưởng ban Kiểm soát tại Công ty cổ phần Fecon. Còn bà Lê Thị Việt Nga sinh năm 1979, trước khi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị OGC từng là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ; Phó tổng giám đốc Công ty TNHH IDS Argo Servicer…

Cùng thời gian, OCH việc tái cấu trúc toàn bộ Ban lãnh đạo, với sự xuất hiện của những gương mặt mới từ IDS Equity Holding. 5/6 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019 – 2024 của OCH đã xin từ nhiệm, gồm ông Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Thế Vinh, Trần Quốc Toản và bà Nguyễn Thị Dung.

Các cổ đông của doanh nghiệp này đã thông qua việc giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị xuống 5 người và bầu ra 4 thành viên mới đều liên quan tới IDS Equity Holdings. Danh sách nhân sự mới gồm ông Huỳnh Minh Việt, Nguyễn Dũng Minh, Nguyễn Chính Phương và Đinh Hoài Nam. Bà Nguyễn Thu Hằng là nhân sự duy nhất của Hội đồng quản trị cũ tiếp tục tham gia Hội đồng quản trị mới của OCH.

Niêm yết cửa sau hay vực dậy doanh nghiệp?

Tính tới cuối quý II, OCH ghi nhận lỗ luỹ kế 862,7 tỷ đồng, bằng 43,1% vốn điều lệ. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng cũng như chế biến thực phẩm của doanh nghiệp. Tuy vậy, doanh nghiệp này đang sở hữu nhiều bất động sản ở vị trí vàng ở trung tâm Thủ đô.

Mới đây, OCH cho biết sẽ đầu tư tối đa không quá 20% tổng tài sản vào Công ty cổ phần Bất động sản Việt Bắc. Sau giao dịch, OCH sẽ chuyển đơn vị này thành công ty liên kết và thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022 và năm 2023.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của OCH là 2.188,9 tỷ đồng. Như vậy, Công ty dự kiến sẽ không đầu tư quá 437,78 tỷ đồng vào Bất động sản Việt Bắc.

Công ty Việt Bắc kinh doanh chính trong lĩnh vực cho thuê văn phòng, một trong những dự án tiêu biểu là tòa nhà Sentinel Place tại địa chỉ 41A Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thực tế, Việt Bắc từng là công ty con thuộc hệ sinh thái OGC và OCH, tuy nhiên đã được thoái vốn vào giữa năm 2013.

Ngoài ra, OCH đang lên kế hoạch lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản từ 20/10/2022 đến 8/11/2022 để thông qua phương án xử lý nợ khó đòi; đổi địa điểm trụ sở, chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư, các hợp đồng góp vốn; chào bán cổ phiếu riêng lẻ (chưa công bố tài liệu chi tiết nội dung).

Câu chuyện thâu tóm OGC, gián tiếp sở hữu OCH – doanh nghiệp trên sàn – của IDS Equity Holdings gợi liên tưởng đến tình huống “niêm yết cửa sau”, vốn không hiếm trên thị trường chứng khoán. Đơn cử thương vụ Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (mã AMV) mua lại hơn 83% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ cuối tháng 6/2017.

Khi đó, người sở hữu chi phối Bệnh viện Việt Mỹ (98%) thông qua Công ty cổ phần Kanpeki Nhật Bản là bà Nguyễn Phương Hạnh, cổ đông lớn duy nhất của

Kanpeki. Mặt khác, người thông qua các quyết định giao dịch quan trọng trong thương vụ này là Chủ tịch Hội đồng quản trị AMV, bà Đặng Nhị Nương. Được biết, bà Đặng Nhị Nương là em của bà Đặng Thập Nương – mẹ ruột bà Nguyễn Phương Hạnh.

Đáng chú ý, tại thời điểm giao dịch, Bệnh viện Việt Mỹ mới chỉ được thành lập và hoạt động vẻn vẹn 4 tháng (thành lập tháng 2/2017). Tuy nhiên, với ngành nghề chính là bán buôn tổng hợp, Bệnh viện Việt Mỹ đã được định giá lên đến 300 tỷ đồng.

Còn về phía AMV, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng trước ngày giao dịch, quy mô công ty này đã phình to nhanh chóng, nâng vốn từ 21 tỷ đồng lên 271 tỷ đồng (gấp 13 lần) thông qua thương vụ phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho 5 cá nhân, phục vụ cho mục đích thâu tóm Bệnh viện Việt Mỹ.

Có thể thấy, bằng việc phát hành riêng lẻ, sau đó dùng số tiền này đi mua những pháp nhân mới đã giúp quy mô tài sản của AMV tăng nhanh chóng. Riêng đối với Công ty cổ phần Đầu tư bệnh viện Việt Mỹ, đơn vị dù mới thành lập được 4 tháng (trước khi bị mua) nhưng có thể niêm yết cổ phiếu trên sàn thông qua pháp nhân AMV.

Gần đây, mặc dù liên tục thua lỗ (năm 2020 lỗ 27,9 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 30,4 tỷ đồng; tính tới ngày 31/12/2021) nhưng bằng cách thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hoàng Minh (mã KPF) và sau đó Đầu tư Tài chính Hoàng Minh quay trở lại mua tài sản liên quan của Central Capital, đơn vị này có thể niêm yết tài sản trên sàn chứng khoán.

Ngược lại, Đầu tư Tài chính Hoàng Minh tiếp tục tăng quy mô tài sản nhanh chóng thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu, dùng tiền mua tài sản bên ngoài.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, đại diện OCH khẳng định, “IDS Equity Holdings không tham gia vào OCH với mục đích cơ cấu lại để tìm cách bán tài sản giống các thương vụ đầu tư mua lại và tái cấu trúc khác, mà đầu tư theo hướng vực dậy và tiếp tục phát triển”.

Theo Tin nhanh chứng khoán