(ĐTCK) Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất châu Á vào trong 2 năm 2022-2023.

Morgan Stanley kỳ vọng tăng trưởng của Ấn Độ sẽ đạt trung bình 7% trong giai đoạn 2022-2023 và đóng góp lần lượt 28% và 22% vào tăng trưởng châu Á và toàn cầu.

Dự báo của Morgan Stanley được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ ba châu Á tăng trưởng 9,2% trong năm tài chính 2022, đây là một sự phục hồi mạnh mẽ từ mức giảm 6,6% trong năm trước do các biện pháp phong toả để kiểm soát Covid-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này. Ấn Độ hiện đang kỳ ​​vọng tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2022-2023 ở mức 8% – 8,5%.

Theo Morgan Stanley, Ấn Độ có vị thế tốt nhất để tạo ra nhu cầu nội địa mạnh mẽ dưới hỗ trợ của cải cách chính sách kinh tế, lực lượng lao động trẻ và các khoản đầu tư công.

“Thuế suất doanh nghiệp giảm, chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) và Ấn Độ với tư cách là nước thụ hưởng tiềm năng của đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ xúc tác và duy trì nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết.

Vào năm 2019, Ấn Độ đã cắt giảm thuế suất doanh nghiệp để thu hút các nhà sản xuất và phục hồi đầu tư tư nhân, đồng thời khởi động kế hoạch PLI vào năm 2020 để hỗ trợ sản xuất trong nước.

Báo cáo triển vọng của Morgan Stanley cũng được đưa ra khi các nền kinh tế phát triển vẽ nên một bức tranh ảm đạm, với hoạt động kinh doanh ở Mỹ và khu vực đồng euro đã thu hẹp vào tháng 7 dựa theo dữ liệu PMI.

“Nền kinh tế được thiết lập để vận hành tốt nhất trong hơn một thập kỷ khi nhu cầu bị dồn nén đang được giải phóng, ngoài ra với bảng cân đối của doanh nghiệp “lành mạnh” và niềm tin kinh doanh là dấu hiệu tốt cho triển vọng đầu tư của Ấn Độ”, báo cáo của Morgan Stanley cho biết.

Giống như các nền kinh tế khác, Ấn Độ cũng tăng lãi suất để chống lạm phát. Morgan Stanley cho biết ngân sách 39.450n tỷ rupee (529,7 tỷ USD) của nước này cho năm tài chính hiện tại tiếp tục nghiêng theo hướng tăng đầu tư công. Ngoài ra, kỳ vọng tiêu dùng trong nước sẽ tăng lên và xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng tốt hơn so với xuất khẩu hàng hóa.

Theo Tin nhanh chứng khoán