(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa trải qua vùng trũng thông tin đã bước vào giai đoạn chịu tác động của các thông tin bất lợi, nhất là từ thị trường thế giới.

USD và lãi suất tăng

Thông tin được quan tâm nhất trong tuần qua là chỉ số đồng USD (DXY) tăng cao. Có mối tương quan giữa chỉ số này và chỉ số thị trường chứng khoán theo hướng ngược chiều nhau. Mặc dù phiên thứ Năm (15/9), nhiều mã chứng khoán giữ sắc xanh, nhưng một số môi giới có kinh nghiệm đã khuyến nghị khách hàng bán ra khi nhìn vào chỉ số DXY.

Đồng USD tăng giá cũng sẽ tác động đến diễn biến giá một số nguyên vật liệu cơ bản, khiến việc dự báo chi phí đầu vào của một số doanh nghiệp khó khăn hơn, đồng nghĩa rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng.

Số liệu cho thấy, chỉ số DXY đầu tháng 9 đã tăng trở lại khá mạnh và vượt các con số trong quá khứ, nhiều đồng tiền khác trên thế giới như EUR, JPY, GBP… giảm đáng kể so với USD. VND cũng bị ảnh hưởng, nhưng so với các đồng tiền khác thì ổn định hơn. Nhìn chung, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động trong việc tác động dự trữ ngoại hối để đảm bảo ổn định VND so với USD.

Trong vài ngày qua, chỉ số DXY có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này cơ bản làm giảm áp lực tỷ giá USD/VND và tình hình dự trữ ngoại hối trong nước, từ đó giảm áp lực thanh khoản trong hệ thống.

Mặc dù thông tin về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã được dự báo trước và phản ánh vào giá cổ phiếu, nhưng gần đến thời điểm ra quyết định chính thức trong cuộc họp của Fed vào ngày 20 – 21/9 tới thì thị trường lại có nhịp điều chỉnh phản ánh một lần nữa, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các thông tin bất lợi.

Sau khi lạm phát tháng 8 của Mỹ được công bố vào ngày 13/9, chứng khoán toàn cầu đã có phiên chao đảo do Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong tuần này, thậm chí một số tổ chức đánh giá mức tăng có khả năng lên đến 1%.

Ảnh hưởng của việc Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách kiểm soát lạm phát thông qua công cụ lãi suất đang dần chuyển từ dự báo thành hiện thực rõ ràng hơn.

Ảnh hưởng của việc Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách kiểm soát lạm phát thông qua công cụ lãi suất đang dần chuyển từ dự báo thành hiện thực rõ ràng hơn. Dòng vốn ở những nước đang phát triển bị tác động mạnh, vốn nước ngoài sẽ có xu hướng chậm lại và rút ra khỏi thị trường. Những yếu tố này sẽ tác động mạnh lên dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương.

Tỷ giá sẽ có xu hướng tăng lên nếu ngân hàng trung ương không đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất cũng có áp lực tăng khi chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và đồng nội tệ rộng hơn. Thị trường chứng khoán luôn phản ứng tiêu cực với việc tăng lãi suất, xu hướng này cũng đã và sẽ diễn ra ở trong nước.

Hiện mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đã tăng 1 – 2% so với giai đoạn đầu năm 2022 và có khả năng tăng thêm trong thời gian tới, do các doanh nghiệp vẫn đang rất cần vốn. Tỷ giá USD/VND đã tăng 1,4% kể từ đầu quý III, sau khi tăng 1,9% trong quý II.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Trường phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, VND mất giá thấp hơn, các số liệu vĩ mô trong nước cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn khá ổn, lạm phát duy trì trong mục tiêu, các chỉ số tăng trưởng kinh tế tích cực.

Dù vậy, không gian cho điều hành chính sách tiền tệ trong nước khá hạn hẹp, chủ yếu do ảnh hưởng từ biến động bên ngoài.

Diễn tiến lạm phát tại Mỹ và quyết sách đối với lãi suất của Fed có thể sẽ ảnh hưởng đến diễn tiến tỷ giá cũng như chính sách cung tiền trong những tháng cuối năm. Cụ thể, so với tháng 7, lạm phát toàn phần tháng 8 của Mỹ chỉ tăng 0,1%, song lạm phát lõi tăng đến 0,6% (cao gấp đôi mức kỳ vọng 0,3% của thị trường).

Do vậy, xác suất Fed tăng 0,75% lãi suất trong kỳ họp ngày 21 – 22/9 đang trở nên cao hơn. Với việc lạm phát lõi tăng mạnh hơn dự báo, diễn tiến lạm phát trong các tháng tiếp theo cần được quan sát nhiều hơn, vì có thể ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất trong các kỳ họp cuối năm của Fed.

Thêm vào đó, vấn đề đình lạm ở khu vực châu Âu và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc có thể sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam.

Với những yếu tố khó dự báo như trên, bà Lam nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì quan điểm điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, khó có thể kỳ vọng cung tiền tăng trưởng mạnh. Cơ quan này có thể chưa tăng lãi suất điều hành, ít nhất trong năm 2022, nhưng lãi suất thực tế của nền kinh tế sẽ thiết lập mặt bằng mới cao hơn. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán phần nào hạn chế hơn và khó có thể kỳ vọng sự bùng nổ về mặt điểm số của thị trường trong những tháng cuối năm.

Trong ngắn hạn, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, những lo ngại của thị trường về việc Fed tăng lãi suất đã được phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường thời gian vừa qua. Do vậy, tâm lý thận trọng của thị trường có thể được cởi bỏ phần nào sau cuộc họp lãi suất của Fed ngày 20 – 21/9 tới và dòng tiền, thanh khoản thị trường có khả năng phục hồi trong tuần cuối tháng 9.

Tiền “thông” nhưng không “thoáng”

Một thông tin được cho là tốt với thị trường là việc cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho các ngân hàng lại gây thất vọng về mặt tâm lý với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bởi trải qua thời gian dừng giải ngân tín dụng khá lâu, nhu cầu thị trường cao, nhưng chỉ có trung bình 3% room tín dụng được cấp, đáp ứng chỉ khoảng một phần ba nhu cầu.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest phân tích, bất chấp những yếu tố vĩ mô trong nước đang cho thấy sự tích cực như GDP phục hồi mạnh, dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự thông thoáng, gói hỗ trợ lãi suất vẫn vướng mắc trong thực tế triển khai, việc tiếp cận nguồn vốn vay trong kinh doanh của đại bộ phận các loại hình doanh nghiệp gặp khó khăn.

Những yếu tố này cũng đang tác động bất lợi đến hoạt động của thị trường chứng khoán về cả yếu tố thanh khoản thị trường lẫn chất lượng hoạt động của doanh nghiệp niêm yết. Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, thị trường tiếp tục chịu áp lực từ yếu tố dòng tiền.

Bất động sản là thị trường lớn, sau chứng khoán, cho thấy dấu hiệu “ngấm đòn” từ việc tín dụng bị kiểm soát chặt hơn. Đã xuất hiện không ít rao bán bất động sản “ngộp” (cần vốn gấp), nhất là tại các dự án nhà đất mở bán số lượng lớn trong năm ngoái, hay các dự án biệt thự nghỉ dưỡng có giá trị cao vài chục tỷ đồng/căn.

Chủ nhà đất F1 bán để thu hồi vốn, bán hòa bằng giá mua trên hợp đồng hoặc chỉ lời phí giao dịch, bán vì không xoay kịp để trả lãi suất vay ngân hàng khi hết thời gian ân hạn lãi suất. Thậm chí, có người còn chấp nhận bán bằng giá mua từ năm 2020 với những căn ở vị trí bình thường.

Những tín hiệu trầm lắng từ thị trường bất động sản thứ cấp, cảnh báo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản, dự báo dòng tiền từ các thị trường khác sẽ tiếp tục gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh thị trường chịu áp lực từ các thông tin bên ngoài và dòng tiền trong nước, ngay cả những cổ phiếu hút dòng tiền cũng hết sức dè dặt khi tăng giá, bởi giới đầu tư luân chuyển rất nhanh giữa các nhóm cổ phiếu phân bón, thép, dầu khí, thủy sản… như trong 2 tuần qua.

Theo Tin nhanh chứng khoán