(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục tăng trong phiên thứ Hai (12/9), nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng, cũng như khi kỳ vọng lạm phát đạt đỉnh đã thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.

Phiên này, nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 1,81% và công nghệ tăng 1,63% là hai động lực lớn nhất giúp ba chỉ số chính chứng khoán chính của Mỹ chạm mức cao nhất trong hai tuần và ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động công bố trước khi mở cửa phiên ngày mai là sự kiện chính của tuần này và sẽ được xem xét kỹ lưỡng để tìm bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến quy mô của các đợt tăng lãi suất trong tương lai từ Fed.

Robert Pavlik, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Dakota Wealth ở Fairfield, Connecticut, cho biết “CPI dự kiến ​​sẽ giảm một chút. Thị trường đang hy vọng rằng tin tức chuyển thành các đợt tăng lãi suất thấp hơn sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở – FOMC vào 21/9 tới”.

Pavlik nói thêm: “Vì điều đó, ngày nay bạn đang thấy một kiểu tâm lý thích mạo hiểm trên thị trường chứng khoán”.

Các nhà kinh tế của Reuters dự đoán CPI tháng 8 sẽ giảm 0,1% so với tháng xuống 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá hàng hóa hạ nhiệt gần đây.

Kết thúc phiên 12/9, chỉ số Dow Jones tăng 229,63 điểm (+0,71%), lên 32.381,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 43,05 điểm (+1,06%), lên 4.110,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 154,10 điểm (+1,27%), lên 12.266,41 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng mạnh, nhờ kỳ vọng giá năng lượng sẽ giảm bớt và cổ phiếu các ngân hàng tăng lên mức cao nhất gần bốn tuần, khi giới đầu tư đặt cược vào các đợt tăng lãi suất quy mô lớn hơn ở châu Âu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,76% lên 427,75 điểm.

Các nhà đầu tư tập trung và rất kỳ vọng vào các gói trị hỗ trợ giá hàng tỷ euro để để bảo vệ các hộ gia đình khỏi các hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô tại Equiti Capital, cho biết: “Chúng tôi thấy sự tích cực xuất hiện vào tuần trước, khi các biện pháp được thực hiện ở châu Âu để hạn chế giá năng lượng. Điều này làm dấy lên nhiều hy vọng rằng lạm phát có thể đạt đỉnh sớm hơn”.

Tuy nhiên, việc giữ giá năng lượng thấp hơn một cách “giả tạo” có nguy cơ gây ra lạm phát cốt lõi trong nước, có khả năng thay đổi kỳ vọng lãi suất, Cole nói.

Các ngân hàng, vốn tăng trong môi trường lãi suất cao hơn, đã tăng mạnh với chỉ số ngân hàng đồng euro tăng 3,4%, kéo dài mức tăng từ hôm thứ Năm sau khi ECB tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%.

Tín hiệu diều hâu của ECB đã khiến chỉ số ngân hàng tăng gần 10% từ đầu tháng, hỗ trợ phần lớn mức tăng 3% của STOXX 600 cho đến nay trong tháng 9.

Phiên này, tất cả các lĩnh vực chính ở Châu Âu đều diễn biến tích cực với sự dẫn đầu của nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng 4,5%.

Kết thúc phiên 12/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 121,96điểm (+1,66%), lên 7.473,03 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 314,06 điểm (+2,40%), lên 13.402,27 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 121,26 điểm (+1,95%), lên 6.333,59 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục hồi phục, khi các cuộc đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân giữa Iran với phương Tây đang gặp trở ngại và dự trữ dầu của Mỹ giảm.

Bộ Năng lượng Mỹ công bố kho dự trữ dầu giảm 8,4 triệu thùng xuống còn 434,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/9, mức thấp nhất trong 38 năm.

Nguồn cung dầu dự kiến còn bị thắt chặt hơn khi các lệnh cấm vận của EU và quyết định áp trần giá dầu của G7 đối với dầu thô Nga có hiệu lực.

Kết thúc phiên 12/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,99 USD/thùng (+1,13%), lên 87,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,16 USD/thùng (+1,23%), lên 94 USD/thùng.

Theo Tin nhanh chứng khoán