- Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 9 tại Trung Quốc quay lại xu hướng tăng nhưng dịch vụ lại suy giảm.
- Đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc vấp phải thử thách lớn từ chiến lược zero Covid và cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản.
- Hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc hồi phục chậm trong tháng 9 trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh các cơ quan chức năng quốc gia này vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid và thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng.
Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 9 tăng từ 49,4 điểm trong tháng 8 lên 50,1 điểm trong tháng 9, theo dữ liệu vừa được công bố bởi Cục Thống kê quốc gia (NBS). Số liệu thực tế cho thấy hoạt động sản xuất quay trở lại xu hướng tăng khi chỉ số PMI cao hơn ngưỡng trung lập 50 điểm.
Ngược lại, chỉ số PMI phi sản xuất, đo lường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, chỉ đạt 50,6 điểm, thấp hơn 52,6 điểm trong tháng trước đồng thời thấp hơn dự báo 52,4 điểm của giới chuyên gia.
Ở một khảo sát độc lập, chỉ số PMI Caixin lĩnh vực sản xuất giảm từ 49,5 điểm trong tháng 8 xuống 48,1 điểm trong tháng 9.
Đà phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới chịu áp lực lớn trước quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid của chính quyền trung ương với các quy định phòng dịch khắt khe được xây dựng nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh, gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu tiêu dùng và niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp. Dữ liệu công bố trước đó cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất sụt giảm trong 8 tháng đầu năm nay.
“Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ chịu tác động tiêu cực từ các lệnh phong tỏa và một số yếu tố khác”, Chuyên gia Zhao Qinghe tới từ NBS nhận định. Sự thiếu hụt các hoạt động mang tính tiếp xúc cao như bán lẻ, hàng không và dịch vụ ăn uống góp phần lớn vào đà giảm của chỉ số PMI dịch vụ tháng vừa qua.
Các quy định hạn chế đi lại tại Trung Quốc ước tính kéo giảm 1,1% tăng trưởng GDP của quốc gia này trong quý III, theo Natixis SA. Giới chuyên gia dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới đạt 3,4% trong năm nay.
Trong tháng 9, thành phố Thành Đô bị phong toa trong 2 tuần làm nhiều người liên tưởng về một “Thượng Hải thứ 2”. Tuy nhiên, thành phố này đã sớm thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh dịch bệnh, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Giá nhà tại quốc gia này giảm trong 12 tháng liên tiếp tính tới cuối tháng 8 vừa qua.