(ĐTCK) Với năng lực và trình độ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc có thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài được ví như “hổ mọc thêm cánh”.

“Nhiều quỹ nước ngoài sẵn sàng rót vốn”

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, với mối quan hệ sâu rộng với các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới, SCIC dự kiến phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tính đến cuối năm 2021, có 89 quỹ đầu tư chính phủ lớn nhất thế giới đang quản lý lượng tài sản lên đến gần 10.000 tỷ USD. Trong đó, các quỹ đáng chú ý nhất là Quỹ Hưu trí Chính phủ Na Uy, Công ty Đầu tư Trung Quốc, Quỹ Đầu tư Cô-oét, Temasek (Singapore)…

Các quỹ lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới thường quan tâm đến các lĩnh vực như hạ tầng, năng lượng… Đây cũng chính là những lĩnh vực Việt Nam đang khát vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong vòng ít nhất 5 năm tới.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo SCIC mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, Tập đoàn đang triển khai 104 dự án và cơ hội đầu tư. Tính đến cuối năm 2021, tổng vốn đầu tư của PVN là 281.900 tỷ đồng. Mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2022 – 2025 của PVN là trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực, có vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này, PVN đã xây dựng kế hoạch với tổng giá trị đầu tư dự kiến khoảng 416.000 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí chiếm tỷ trọng cao nhất là 35,8%, tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp điện chiếm 30,7%.

PVN đang có nhu cầu vốn lớn để phát triển lĩnh vực hóa dầu, hóa chất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh tích hợp tổ hợp lọc hóa dầu với các nguồn khí tự nhiên, nâng cao hiệu quả công trình, dự án đã đầu tư; phát triển dự án mới về quy mô, mức độ chế biến sâu, có sức cạnh tranh.

Quan tâm đến một số dự án của PVN, trong đó có dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, SCIC đánh giá đây là dự án tiềm năng, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của hai bên và có khả năng triển khai sớm để đạt hiệu quả tốt nhất.

Nhờ nguồn lực tài chính dồi dào, SCIC có khả năng tham gia vào các dự án lớn với vai trò nhà đầu tư tài chính, đồng thời có thể kết nối nguồn lực tài chính nước ngoài để tham gia vào các dự án này.

Ông Thành cho biết, nhiều quỹ nước ngoài sẵn sàng rót vốn vào Việt Nam khi có các dự án lớn, song hành với sự phát triển của nền kinh tế và đất nước. Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI), do SCIC và Ủy ban Đầu tư Chính phủ Ô-man (OIA) góp vốn thành lập, có thể xem là mô hình hợp tác khá thành công.

VOI hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam, với các mục đích tìm kiếm cơ hội dự án đầu tư, cung cấp dịch vụ tư vấn, xúc tiến, quản lý dự án đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Ô – man đầu tư vào thị trường Việt Nam. Theo thỏa thuận giữa SCIC và các cổ đông Ô-man, khi có cơ hội đầu tư, SCIC và cổ đông Ô-man sẽ góp vốn vào VOI theo tỷ lệ sở hữu để thực hiện cơ hội đầu tư.

Mới đây, ông Nasser Al Harthy, Quyền Phó tổng giám đốc hoạt động Ủy ban Đầu tư Chính phủ Ô-man đã có buổi làm việc với SCIC. Hoạt động của VOI trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tốt, Công ty đã có lợi nhuận, đem lại lợi ích cho các cổ đông.

Công ty hiện đang đầu tư và xúc tiến đầu tư thành công vào các lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam như y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, đường cao tốc và nước sạch các nhà máy ở Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Hậu Giang, với hơn 250 triệu USD được giải ngân trong thập kỷ qua, trở thành dòng vốn đầu tư điển hình từ Trung Đông vào Việt Nam.

Trong vai trò là một nhà đầu tư chính phủ, SCIC sẽ cung cấp “vốn mồi” để tăng cường, thu hút vốn của các định chế tài chính lớn, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt.

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC

SCIC và Ủy ban Đầu tư Chính phủ Ô-man đã nhất trí đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác thông qua VOI trong thời gian tới, để khai thác những lợi thế vốn có giữa Việt Nam với Ô-man, nhất là trong các cơ hội đầu tư của hai chính phủ. Trên cơ sở đó, hai bên đã quyết định xây dựng khung quan hệ hợp tác trong việc tìm kiếm, thực hiện các cơ hội đầu tư.

Ngoài phương án đầu tư qua VOI, hai bên cũng thống nhất sẽ cùng hợp tác góp vốn đầu tư vào các dự án trong các lĩnh vực có tiềm năng như cảng biển, hạ tầng, y tế…, trên cơ sở phù hợp với lợi ích và kinh nghiệm của mỗi bên trong từng lĩnh vực.

Ông Nguyễn Chí Thành cho biết thêm, hiện SCIC đã hoàn thành dự thảo Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, thời gian tới, SCIC định hướng chuyển đổi sang mô hình quỹ đầu tư chính phủ với nhiệm vụ trọng tâm chuyển dần từ tiếp nhận, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn.

Trong vai trò là một nhà đầu tư chính phủ, SCIC sẽ cung cấp “vốn mồi” để tăng cường, thu hút vốn của các định chế tài chính lớn, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt có tính chất lan tỏa trong nền kinh tế như hạ tầng giao thông (cảng biển, đường cao tốc), năng lượng, viễn thông…

Cần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi hơn

Thời gian qua, Việt Nam tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn đầu tư gián tiếp (FPI), theo nhận xét của tổng giám đốc một quỹ đầu tư, thường ít được hoan nghênh với những suy nghĩ không mấy tích cực.

Đại loại như, FPI có tính bất ổn định, nhà đầu tư có xu hướng thay đổi chứng khoán hoặc tài sản mà mình đang nắm giữ để tìm kiếm mức lợi nhuận cao nhất.

Hay FPI có tính dễ đảo ngược, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, luồng vốn FPI với quy mô lớn có thể chuyển sang một thị trường khác, gây tác động xấu và để lại hậu quả khôn lường cho nền kinh tế.

Rồi doanh nghiệp tiếp nhận FPI chỉ tiếp nhận vốn bằng tiền, không có cơ hội tiếp thu kỹ thuật, công nghệ sản xuất và kinh nghiệm quản lý hiện đại như đầu tư FDI…

Tuy nhiên, thực tế vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã cho thấy tác động tích cực của FPI khi luồng vốn này góp phần làm tăng tổng vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy sự phát triển và năng động ở nhiều doanh nghiệp niêm yết, để từ đó tăng mạnh về quy mô và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Thông qua M&A, dòng vốn gián tiếp nước ngoài nắm cổ phần chi phối ở một số doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp này sau đó vẫn tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận như Sabeco, Dược Hậu Giang, Nhựa Bình Minh…

Để tăng cường thu hút dòng vốn FPI vào Việt Nam, đại diện Dragon Capital, thay mặt Nhóm thị trường vốn đã nhiều lần nhấn mạnh tại các diễn đàn Đối tác Phát triển của Việt Nam gần đây rằng Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý và các điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán phát triển hơn nữa; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều hành, hướng dẫn các giao dịch chứng khoán và hoạt động của thị trường chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty phát hành, chú ý đến lợi ích của giới kinh doanh chứng khoán và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Theo : Tin nhanh chứng khoán