(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư chứng khoán thành công trên thị trường đều có chung chia sẻ rằng, để tồn tại và kiếm lời trên thị trường trong dài hạn, nhất định phải học hỏi, nghiên cứu, phân tích không ngừng, xây dựng phương pháp đầu tư phù hợp, kiên trì, kỷ luật, không để cảm xúc chi phối. Thật trùng hợp, nghề phóng viên cũng cần những đức tính tương tự.

“Thực chiến”

Một sinh viên kinh tế bước ra trường năm 2011, thử sức ở lĩnh vực chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm đó là phóng viên. Lý do chỉ vì mẩu tin nhỏ, khoảng 500 chữ cho một sự kiện là hội thảo kinh tế, được đăng tải trên mặt báo, mang lại cảm xúc rất “đỉnh”, vì thế tôi yêu luôn công việc này. Tôi cảm nhận sâu sắc những kiến thức kinh tế khi ngồi trên ghế nhà trường đều được vận dụng, từ vi mô, vĩ mô, tài chính… để có thể hiểu các vấn đề được chuyên gia chia sẻ và viết lại thành thông tin cho độc giả đọc.

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, với tôi, công việc là phóng viên mảng tài chính khó nhằn và đầy thách thức, vì không chỉ dừng ở một chuyên ngành học, mà rộng mở mọi thứ và chắc chắn phải “tu luyện” các khóa học từ cơ bản đến nâng cao về chứng khoán, nếu thực sự muốn làm tốt công việc. Có những giai đoạn, tôi chán nản vì áp lực, vì kiến thức chưa theo kịp đòi hỏi công việc và kỳ vọng của bản thân.

Viết về lĩnh vực chứng khoán, phóng viên phải có “thực chiến” mới có thể bám sát diễn biến thị trường, có những cảm nhận tâm lý nhà đầu tư, góc nhìn đa chiều của các thành viên tham gia thị trường…

Viết về lĩnh vực chứng khoán, phóng viên phải có “thực chiến” mới có thể bám sát diễn biến thị trường, có những cảm nhận tâm lý nhà đầu tư, góc nhìn đa chiều của các thành viên tham gia thị trường… Nhưng ban đầu, tôi gần như bị stress, bởi không thể lý giải nổi hiện tượng vì sao doanh nghiệp cơ bản tốt mà giá cổ phiếu không tăng, vì sao mình vừa bán thì giá lại tăng, lãi nhiều không biết chốt, lỗ tí cũng tiếc đứt ruột, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) thì không thua ai…

Thực tế, tâm lý “chơi chơi”, thiếu tập trung khi đầu tư chứng khoán đã không cho tôi một kết quả như mong đợi và những câu hỏi ở trên vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Thậm chí, tôi bị “bốc hơi” gần hết tài khoản chỉ vì mua phải hàng kém chất lượng, mua theo “phím hàng” và khi giá giảm thì không có kinh nghiệm ứng xử, không biết cách cắt lỗ, mà cứ giữ kỳ vọng hão huyền.

Điều này có nghĩa, kinh nghiệm thực chiến của cá nhân tôi với thị trường chứng khoán không nhiều, các kiến thức đã học chưa được “thực hành, làm bài tập về nhà” một cách thường xuyên, bài bản và nghiệm thu các bài tập đó. Các bài viết thì phần lớn thiếu hơi thở thực sự của thị trường, thiếu tính phát hiện, chỉ làm tốt công việc tương tác với các doanh nghiệp, chuyên gia và mô tả lại – việc này lặp đi lặp lại khiến nhiều phóng viên cảm thấy nhàm chán.

“Lăn lộn” với thị trường

Đặc điểm chung giữa một nhà đầu tư chứng khoán và một phóng viên trong lĩnh vực này là phải luôn trau dồi kiến thức nền tảng, học chắc học vững, bên cạnh đó là hàng loạt kỹ năng về đọc và lọc thông tin, hiểu ngành nghề kinh doanh, mô hình hoạt động của doanh nghiệp, các thế mạnh và thế yếu của doanh nghiệp, tư duy quản trị và tầm nhìn của ông chủ, sức khỏe tài chính. Tất nhiên, không thể không nắm bắt xu hướng thị trường, các yếu tố trong và ngoài nước đang tác động ra sao, dòng tiền mạnh yếu thế nào, chảy vào đâu…

Một phóng viên tài chính không hiểu và nắm bắt được nhịp đập thị trường, không nắm được vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ không bắt kịp thông tin, thiếu nhạy bén về phát hiện vấn đề và bài viết nhiều khi giống “cơm nguội”.

Sau bài học đắt giá và cú sốc đầu đời trên chứng trường là bước ngoặt để tôi chính thức từ F0 trở thành F1, đồng thời tìm ra được lời giải cho các bài viết đang bị “thiếu muối”. Tôi tự tin hơn và cho rằng mình đang dần trở thành một nhà đầu tư chính hiệu, không còn lơ là với chính đồng tiền của mình.

Tôi cùng “ăn ngủ nghỉ” với thị trường chứng khoán, say mê tìm hiểu và cập nhật liên tục các diễn biến thị trường, đặc biệt 2 năm 2020 – 2021, hiếm khi nào các phóng viên tài chính, chứng khoán có nhiều việc để làm, tăng cường độ thông tin và năng suất lao động đến vậy. Và dĩ nhiên, phóng viên có nghề, có thực chiến, có kiến thức nền tảng về tài chính, chứng khoán sẽ có lợi thế hơn về tin tức, đề tài và chất lượng bài vở.

Tăng tính thực chiến, xâm nhập sâu và là một thành phần của thị trường chứng khoán, đầu đầu tư nghiêm túc, miệt mài phân tích và hình thành phương pháp, góc nhìn phù hợp với bản thân là cách thức tôi đã thực hiện để cải thiện năng lực bản thân. Song song đó, nhiệm vụ thường xuyên là “căng ăng ten” để thu thập tin tức từ mọi kênh như các trang báo khác, diễn đàn, room chat, hội nhóm các nhà đầu tư…, cố gắng đi đến tận cùng của vấn đề.

Bằng cách này, mọi vấn đề thuở ban đầu của tôi được giải quyết đến 90%. Tôi trở thành một thành phần trong cộng đồng nhà đầu tư rộng lớn, yêu thích đầu tư chứng khoán, yêu thích viết lách từ những phát hiện của mình, chủ động với kiến thức và xử lý thông tin thu thập được ngày càng bám sát với diễn biến thị trường, với các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm.

Đảm bảo “vai chính”

Mỗi công việc đều có thách thức riêng, như doanh nghiệp ngại tiếp xúc, không thoải mái để chia sẻ thông tin, một rào cản buộc phải vượt qua để có thể tác nghiệp lấy thông tin. Song song đó, vừa là nhà báo, vừa là nhà đầu tư đòi hỏi các bài viết phải đảm bảo tính khách quan.

Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cùng cơ chế giám sát từ biên tập viên và các cấp lãnh đạo báo không cho phép đăng những bài viết cảm tính, thiếu luận điểm cơ sở vững chắc hay có thông tin thiên vị, “cài cắm”…

Trong giai đoạn thị trường sôi động như năm 2021, đầu năm 2022, niềm say mê đầu tư, chia sẻ, thảo luận trong các room chat “ngốn” không ít thời gian của phóng viên, nên có chút lơ là trong việc tuân thủ chỉ tiêu hiệu quả công việc.

Trái lại, những lúc thị trường thường xuyên có các phiên giảm điểm mạnh như từ đầu tháng 4/2022 tới nay, tâm trạng của phóng viên “ở đảo xa” không khác gì các nhà đầu tư: chán nản, mất tinh thần, giảm tập trung trong công việc… Tôi có lần hoảng hồn vì giá sụt giảm bất ngờ trong khi đang sử dụng đòn bẩy. Tất cả những trải nghiệm này đều đáng quý, khắc sâu trong tâm trí và quan trọng hơn là mỗi người cần phải có cách ứng xử và xử lý vấn đề để vượt qua.

Trong giới hạn dung lượng bài viết, những chia sẻ này chưa mô tả hết những đặc tính công việc, những kỹ năng cần cải thiện cũng như những câu chuyện thị trường thú vị trong quá trình tác nghiệp.

Nhưng tựu trung, kinh nghiệm được truyền lại từ các chuyên gia, các nhà đầu tư thành công rất hữu ích khi áp dụng vào góc nhìn đầu tư, góc nhìn nhà báo trong ngành chứng khoán, đó chính là xây dựng nền tảng tri thức và tìm hiểu bám sát xu hướng thị trường, mọi diễn biến trên thị trường đều xuất phát từ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, chất lượng lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, song hành với đó là các tác động từ cung – cầu cổ phiếu trên thị trường. Bóc tách từng vấn đề một cách cẩn thận, sáng suốt sẽ thấy chứng khoán thật sự hấp dẫn và hay ho.

Khi thu nhập người dân dần tăng lên, nhu cầu phân bổ tài sản theo đó tăng theo. Nếu như trước đây, hầu hết người dân gửi tiết kiệm tại ngân hàng cho số vốn nhàn rỗi thì nay bắt đầu phân bổ thu nhập cho kênh đầu tư tài sản như chứng khoán, bất động sản.

Tỷ lệ tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam 2 năm qua tăng nhanh, nhưng vẫn còn thấp so với các thị trường trong khu vực cho thấy dư địa tăng trưởng còn nhiều. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng, vĩ mô ổn định, đứng trước các cơ hội đón dòng vốn ngoại từ triển vọng nâng hạng thị trường trong thời gian tới…

Cơ hội thì nhiều, nhưng nếu mỗi cá nhân không tự chuẩn bị đầy đủ các công cụ để có thể nắm bắt thì khó có thể thành công trên thị trường chứng khoán. Với quan điểm cá nhân, phóng viên cần chuẩn bị và cải thiện kiến thức, góc nhìn, nghiệp vụ của bản thân mới có thể bắt kịp sự phát triển của thị trường. Cách hữu hiệu với tôi chính là hòa mình vào thị trường hấp dẫn này.

Theo : Tin nhanh chứng khoán