Không dễ để các địa phương phía Nam tận dụng được cơ hội đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc, vì các rào cản về thủ tục, nguồn nhân lực chưa thể giải quyết.

Cơ hội đến rất gần

“Đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng trong năm 2022 và sẽ bứt phá trong các năm tới, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Để nắm bắt cơ hội, đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI, các tỉnh, thành phố phía Nam cần có cơ chế đủ hấp dẫn để thu hút dòng vốn mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định tại Hội nghị Giao ban đầu tư nước ngoài khu vực phía Nam năm 2022 tổ chức mới đây.

Sở dĩ có dòng vốn FDI mới là do tình hình thế giới có nhiều biến động; chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau đại dịch; Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid, nên các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch dòng vốn sang các thị trường khác. Đây là cơ hội cho Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố phía Nam nói riêng.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, dự kiến Việt Nam thu hút được các dự án điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo của Hàn Quốc, vì nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ sở sản xuất mới. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản. Riêng đối với dòng vốn đầu tư của khu vực châu Âu, sẽ là các lĩnh vực công nghệ, sản xuất, dược phẩm, năng lượng.

Để nắm bắt cơ hội, đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, các tỉnh, thành phố phía Nam cần có cơ chế đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Đó là cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ các nhà đầu tư làm thủ tục nhanh gọn. Các địa phương cần có quỹ đất “sạch” tại các khu công nghiệp với đầy đủ hạ tầng cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy. Đặc biệt, cần chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề để đáp ứng được yêu cầu của những dự án sử dụng công nghệ cao.

Địa phương nào tận dụng được cơ hội?

Có thể thấy, cơ hội thu hút dòng vốn FDI mới rất lớn, song các tỉnh phía Nam có vượt qua được các thách thức hay không mới là điều quan trọng. Địa phương nào có môi trường đầu tư tốt chắc chắn sẽ là “đất lành” để các nhà đầu tư tìm đến.

Tại TP.HCM, khi đến tìm hiểu đầu tư, các hiệp hội nước ngoài đều phàn nàn về thủ tục hành chính hiện nay của Thành phố. Điển hình là câu chuyện doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM xin sửa nhà vệ sinh phải chờ đợi thủ tục cấp phép rất lâu. Cả “rừng” thủ tục và rất nhiều cửa khiến nhà đầu tư đều lắc đầu khi đến tìm hiểu đầu tư tại TP.HCM. Một vấn đề nhỏ là cơ chế một cửa tại khu công nghiệp chưa được chính quyền Thành phố giải quyết.

Bên cạnh vấn đề thủ tục, quỹ đất hiện nay tại các khu công nghiệp của TP.HCM còn rất ít, diện tích không đủ xây nhà xưởng quy mô lớn. Trong khi đó, Khu công nghiệp Phạm Văn Hai mà TP.HCM đề nghị Chính phủ đưa vào quy hoạch để thu hút các ngành chất lượng cao chưa được xây dựng. Điểm tích cực duy nhất là việc Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) ký biên bản ghi nhớ với Synopsys để đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.

Đồng Nai cũng gặp khó trong thu hút FDI vì không còn diện tích đất công nghiệp lớn để doanh nghiệp thuê làm nhà xưởng sản xuất. Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2020, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung 5 khu công nghiệp mới, với diện tích 7.104 ha vào quy hoạch, song đến nay vẫn chưa xây dựng được. Về nhân lực, tỉnh cũng chưa cải thiện nhiều, lực lượng lao động có tay nghề vẫn thiếu trầm trọng.

Điểm sáng trong thu hút FDI ở khu vực Đông Nam bộ có lẽ phải kể đến Bình Dương. Từ đầu năm 2022 đến nay, “thủ phủ công nghiệp” này liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với doanh nghiệp nhiều nước như Bỉ, Hàn Quốc, Ấn Độ… Lãnh đạo tỉnh này tăng cường đối thoại với doanh nghiệp từng nước có các dự án hoạt động tại Bình Dương để tháo gỡ khó khăn cho họ.

Về thủ tục hành chính, từ tháng 9/2022, Bình Dương không tiếp nhận hồ sơ giấy, hướng tới thực hiện “3 không” (không dùng tiền mặt, không nhận hồ sơ giấy, không cần đến Trung tâm Hành chính công). Đây là bước cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ nhất của Bình Dương để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh việc cải cách hành chính triệt để, Bình Dương xây dựng Khu công nghiệp VSIP III trên quỹ đất 1.000 ha tại Thị Xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, với hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường. Về nhân lực, tỉnh đã chuẩn bị khá kỹ khi Trường đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) hoạt động từ năm 2011 theo mô hình trường đại học của doanh nghiệp.

Theo: Báo đầu tư