TS. Nguyễn Tú Anh nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2022 sẽ rất cao, đạt khoảng 10-11%, song nhiệm vụ trong quý cuối cùng của năm vẫn còn rất nặng nề.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Diễn đàn Kinh tế năm 2022, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2022 sẽ rất cao, đạt khoảng 10 – 11%, song nhiệm vụ trong quý cuối cùng của năm vẫn còn rất nặng nề.

Nhiều chuyên gia kinh tế và một số định chế tài chính dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam đạt khoảng 14%. Ông dự báo thế nào?

Chắc chắn, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III sẽ rất cao, nhưng dự báo tăng 14% thì quá lạc quan, bởi thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư nội địa, thu hút đầu tư nước ngoài, thương mại… trong quý này tăng trưởng mạnh, nhưng không phải là tăng trưởng phi mã.

Với những diễn biến của hoạt động kinh tế, tôi cho rằng, GDP quý III tăng trưởng khoảng 10 – 11%, tốc độ tăng trưởng “vô tiền khoáng hậu”. Con số này đặc biệt có ý nghĩa, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trên thế giới đang giảm dần tốc độ tăng trưởng, thậm chí EU, Mỹ còn đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế.

Cơ sở nào để dự báo GDP quý III sẽ tăng 10 – 11%, thưa ông?

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất, là quý III/2021, GDP giảm tới 6,02% – mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP từng quý. Trên nền rất thấp, nên chỉ cần hoạt động sản xuất, kinh doanh quý này tương đương những năm trước đại dịch, thì tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt 8 – 9%.

Thứ hai, hoạt động của cả 3 khu vực kinh tế đang tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước đó và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2022 phục hồi ở tất cả các ngành và ghi nhận mức tăng rất cao, đặc biệt, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gấp 2,9 lần; du lịch lữ hành tăng gấp 65,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài… đang vào guồng. Theo ông, có điều gì cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm không?

Với nền kinh tế Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ vị trí quan trọng, nhưng trong 8 tháng qua, vốn đăng ký của các dự án FDI được cấp mới chỉ đạt 6,35 tỷ USD, giảm gần 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong những tháng cuối năm, khả năng phục hồi nguồn vốn này rất khó khăn. Nguyên nhân là, để đối phó với lạm phát, các nền kinh tế đầu tàu thế giới và là đối tác lớn của Việt Nam đều tăng lãi suất, đặc biệt là EU, Mỹ. Khi lãi suất USD tăng, trị giá của “đồng bạc xanh” tăng và trở nên khan hiếm hơn, dòng vốn FDI sẽ ở lại chính quốc, thậm chí quay trở về chính quốc thay vì đầu tư ở nước ngoài.

USD đang ở thế thượng phong so với các loại ngoại tệ mạnh khác. So với VND, trị giá USD đang tăng, nếu không giữ được tỷ giá, thì rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra, trong đó có vấn đề kiểm soát lạm phát. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam kiểm soát lạm phát rất hiệu quả, nhưng 3 tháng cuối năm, lạm phát diễn biến thế nào rất khó đoán định, vì không thể đoán trước giá dầu ngày mai sẽ tiếp tục giảm hay quay đầu tăng trở lại.

Cuộc xung đột tại Ukraine càng ngày càng diễn tiến xấu và phức tạp hơn. Cuộc chiến này càng phức tạp, càng khốc liệt, càng kéo dài, thì sẽ càng khiến kinh tế thế giới suy kiệt và Việt Nam – một nền kinh tế mới nổi – bị tác động tiêu cực là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, còn điều gì lo ngại nữa, thưa ông?

Vài tuần trước, các chuyên gia kinh tế, định chế tài chính thế giới rất kỳ vọng lạm phát tại các đầu tàu kinh tế thế giới đã lên đến đỉnh và bắt đầu đi xuống vì giá dầu thô giảm liên tục, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu dần trở lại bình thường, vận chuyển hàng hải đang đà phục hồi và cước phí vận chuyển hàng hải đã giảm hơn một nửa so với 1 năm trước.

Thế nhưng, lạm phát trong tháng 8/2022 của Mỹ vừa được công bố tăng tới 8,3% so với cùng kỳ năm 2021, gây bất ngờ, thậm chí gây sốc với hầu hết chuyên gia kinh tế, định chế tài chính. Khi lạm phát chưa được kiểm soát, sớm muộn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% sau khi đã tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay. Fed tăng lãi suất như một hiệu ứng buộc ngân hàng trung ương các nước cũng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Khi lãi suất đồng loạt tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thu nhập của người dân giảm, việc tiếp cận vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất, người dân giảm chi tiêu. Mùa Đông năm nay ở châu Âu chắc chắn lạnh hơn rất nhiều so với những năm trước, do nguồn cung khí đốt từ Liên bang Nga bị cắt giảm và người dân châu Âu sẽ cắt giảm các khoản chi tiêu để ưu tiên cho năng lượng sưởi ấm. Điều này sẽ tác động rất lớn tới Việt Nam – nền kinh tế phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu.

Với diễn biến này, theo ông, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức nào?

GDP 6 tháng đầu năm đã tăng 6,42%, cộng với việc tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 1,42%, nên khả năng GDP 9 tháng của năm nay sẽ tăng 10 – 11%.

Tuy nhiên, do quý IV/2021, GDP tăng trưởng khá cao (tăng 5,22%), nên nếu muốn đạt được tốc độ tăng trưởng 10 – 11% trong cả năm nay, thì quý IV phải tăng 9 – 10%. Đây là nhiệm vụ không dễ.

Theo: Báo đầu tư