Đề xuất xây dựng Trung tâm Hydro xanh 175.000 tỷ đồng tại Quảng Trị; Bình Định đầu tư gần 1.500 tỷ đồng làm đường ven biển Quy Nhơn…
Đề xuất thẩm định Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài trị giá 16.729 tỷ đồng
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký công văn số 3062/UBND – DA đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Theo đề xuất của UBND TP. HCM, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 50 km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM dài 23,7km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3km. Tuyến có điểm đầu giao giữa Tỉnh lộ 15 với đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối với Quốc lộ 22 tại lý trình Km53+850 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/h; quy mô giai đoạn hoàn chỉnh có từ 6 – 8 làn xe, bề rộng từ 34,5m đến 42m.
Trong giai đoạn 1, UBND TP.HCM đề xuất đầu tư đoạn qua địa phận TP.HCM có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng mặt cắt ngang 17m- 20m; đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng mặt cắt ngang 17m-17,5m.
Tuyến dự kiến bố trí 19 vị trí giao cắt gồm 6 nút giao khác mức liên thông, 12 vị trí giao trực thông và 1 vị trí cuối tuyến giao bằng với Quốc lộ 22. Đối với tuyến nối từ điểm cuối cao tốc đến cửa khẩu Mộc Bài, trong giai đoạn 1 kiến nghị tận dụng đoạn Quốc lộ 22 hiện hữu nhằm giảm kinh phí xây dựng.
Tính toán sơ bộ cho thấy, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 16.729 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị là 6.355 tỷ đồng; chi phí GPMB là 7.433 tỷ đồng…
UBND TP.HCM dự kiến phân chia Dự án thành 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 – đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài theo phương thức PPP, có tổng mức đầu tư 9.296 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí GPMB) do UBND TP.HCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Dự án thành phần 1 dự kiến thu phí hoàn vốn trong vòng 18 năm 1 tháng.
Dự án thành phần 2 – bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đoạn qua TP.HCM có tổng kinh phí 5.901 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách TP.HCM.
Dự án thành phần 3 – bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đoạn qua Tây Ninh có tổng kinh phí 1.532 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh Tây Ninh.
UBND TP.HCM dự kiến hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư vào quý III/2023; lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng từ quý II/2024; GPMB từ quý IV/2023 đến năm 2027; triển khai xây dựng từ quý III/2024 đến năm 2027.
Levanta nhận khoản đầu tư lớn từ Actis vào năng lượng tái tạo
Levanta Renewables đã ký thỏa thuận bán phần lớn cổ phần cho Actis, nhà đầu tư hạ tầng bền vững có quy mô toàn cầu, với kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Hiện Levanta Renewables (Levanta) đang tập trung phát triển 300 MW điện gió trên bờ. Với sự tham gia của Actis trong vai trò là đối tác chiến lược, Levanta sẽ sử dụng chiến lược mua và xây dựng rất thành công của Actis để mở rộng quy mô kinh doanh của mình tới 1,5 GW năng lượng tái tạo khắp Đông Nam Á.
Các Dự án được nhắm tới là điện gió trên bờ, trang trại điện mặt trời và điện mặt trời sử dụng cho sản xuất công nghiệp và thương mại.
Việc mở rộng hoạt động về năng lượng tái tạo cũng được cho là sẽ tập trung chủ yếu vào thị trường Việt Nam, nơi Levanta đang có kế hoạch mua lại các dự án chất lượng cao đang vận hành và các dự án đang được phát triển.
Mục tiêu của Levanta là cung cấp năng lượng cho các bên mua điện, bao gồm cả các công ty sản xuất công nghiệp và thương mại.
Ông Sudhir Nunes, người sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Levanta Renewables cho biết, rất vui mừng được hợp tác với Actis, công ty xây dựng và vận hành kết cấu hạ tầng bền vững đẳng cấp thế giới với bề dày thành tích trong việc cung cấp năng lượng tái tạo cho các quốc gia và cộng đồng.
“Việt Nam đã cam kết sẽ đạt cung cấp năng lượng không carbon tại COP26 và chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và Đông Nam Á bằng việc thực hiện các dự án điện gió trên bờ mà Công ty đang có tại Việt Nam, cũng như các dự án năng lượng mặt trời và gió trong tương lai tại khu vực. Nhân đây, tôi cũng cảm ơn các đối tác tại SEACEF và SCAF về những hỗ trợ quý báu của họ trong suốt hành trình”, ông Sudhir Nunes nói.
Với khoản đầu tư đầu tiên vào hạ tầng năng lượng này, Actis sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
Đóng góp của Actis vào việc triển khai các công nghệ tái tạo tại thị trường này sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và Đông Nam Á.
Levanta sẽ hợp tác với nhóm phát triển bền vững nội bộ của Actis để thiết lập các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đẳng cấp thế giới trong toàn doanh nghiệp và sẽ báo cáo về tác động tích cực bằng cách sử dụng Actis Impact ScoreTM, là bộ tiêu chuẩn độc quyền của Actis đo lường các tác động tích cực về xã hội và môi trường cho các khoản đầu tư của mình, phù hợp khăng khít với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Là những thành viên tích cực của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), Actis và Levanta sẽ áp dụng kinh nghiệm quản lý các dự án năng lượng tái tạo sâu rộng của mình để góp phần cung cấp năng lượng sạch trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Rahul Agrawal, Giám đốc Cơ sở hạ tầng năng lượng của Actis cho biết, chúng tôi rất vui mừng được thực hiện khoản đầu tư hạ tầng năng lượng đầu tiên của mình tại Việt Nam, quốc gia đã cam kết đạt Net-Zero vào năm 2050.
Với kinh nghiệm sâu rộng về xây dựng và vận hành hạ tầng bền vững, Actis sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình chuyển đổi carbon thấp ở Việt Nam và Đông Nam Á, một khu vực mà nguồn cung cấp năng lượng theo truyền thống phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt.
Được biết, giao dịch sẽ được tài trợ thông qua Quỹ Năng lượng 5 của Actis, nơi đang quản lý 6 tỷ USD vốn đầu tư để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu.
Hiện Actis đã đầu tư vào hơn 70 dự án năng lượng tái tạo, với khoảng 11 GW trên toàn cầu.
Hé lộ doanh nghiệp đề xuất đầu tư Cảng hàng không chuyên dùng Mộc Châu
UBND tỉnh Sơn La vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị bổ sung Cảng hàng không chuyên dùng Mộc Châu (sân bay du lịch), tỉnh Sơn La vào Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Sơn La, Cảng hàng không chuyên dùng Mộc Châu là sân bay cấp 4E, trong giai đoạn đến năm 2030 thực hiện chức năng Cảng hàng không dân dụng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm. Trong giai đoạn sau năm 2030, Cảng hàng không chuyên dùng Mộc Châu có công suất 2 triệu hành khách/năm.
Sân bay này sẽ có 1 đường cất, hạ cánh với chiều dài lớn hơn 1.800m; diện tích đến năm 2030 khoảng 350ha; đến năm 2050 khoảng .
Tuyến đường bay khai thác trong nước (đi, đến) Cảng hàng không chuyên dùng Mộc Châu là TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc… Các đường bay quốc tế (đi, đến) gồm mạng đường bay khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông); mạng đường bay khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan), KualaLumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia).
Chi phí đầu tư Cảng hàng không chuyên dùng Mộc Châu ước khoảng 6.500 tỷ đồng, hình thức đầu tư là PPP.
Một doanh nghiệp du lịch hàng đầu trong nước là đơn vị duy nhất gửi đề xuất đầu tư Cảng hàng không chuyên dùng Mộc Châu tới UBND tỉnh Sơn La.
Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu (bao gồm 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ) nằm ở vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc, cũng như cả nước. Với tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với sự hình thành và phát triển Khu công nghiệp Vân Hồ, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhà máy chế biến sữa Vinamilk trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ có tác động tích cực, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo; bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.
“Với vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế nêu trên việc quy hoạch và đầu tư phát triển Cảng hàng không chuyên dùng Mộc Châu (sân bay du lịch) là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới”, lãnh đạo tỉnh Sơn La đánh giá.
Tuyên Quang đề xuất quy hoạch sân bay lưỡng dụng tại huyện Na Hang
UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có công văn số 3656/UBND – ĐTXD gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch xây dựng cảng hàng không, sân bay tại tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Thủ tướng xem xét đồng ý chủ trương cho phép cập nhật Cảng Hàng không Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép tiến hành các thủ tục đầu tư đầu tư theo hình thức PPP.
UBND tỉnh Tuyên Giang cũng kiến nghị giao UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Theo đề xuất, sân bay Na Hang được đề nghị quy hoạch tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang (vị trí đề nghị là vị trí dân cư thưa thớt, diện tích đất rộng lớn, địa chất vững chắc, bằng phẳng; đồng thời vị trí này gần Khu Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình, gần các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 279, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 280 và kết nối thuận lợi với trung tâm và cửa khẩu các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kan,…).
Quy mô sân bay này khoảng 350ha, trong đó quy mô cảng hàng không, sân bay cấp 4C diện tích khoảng 280ha và sân bay quân sự cấp II diện tích khoảng 70ha.
UBND tỉnh Tuyên Quang dự kiến phân kỳ đầu tư sân bay Na Hang theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2030 sẽ đầu tư theo hình thức PPP. Trên cơ sở chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư sân bay chuyên dùng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và khai thác một số tuyến bay quốc tế, phục vụ tìm kiếm cứu nạn và quốc phòng an ninh).
Giai đoạn 2 (sau năm 2030) sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh thành cảng hàng không cấp 4C.
Trong báo cáo rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 8/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa,…) trong trường hợp đủ điều kiện” trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch đường cất cánh số số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.
Như vậy, theo đề xuất mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn 2021 – 2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 28 cảng hàng không bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo);
Cũng trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.
Bên cạnh đó, hồ sơ quy hoạch để vẫn để mở cho việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng: quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý,…), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch đường cất hạ cánh số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa,…) trong trường hợp đủ điều kiện.
Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 17 cảng hàng không quốc nội (thêm sân bay Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội).
Đề xuất xây dựng Trung tâm Hydro xanh 175.000 tỷ đồng tại Quảng Trị
Ngày 12/9, thông tin từ ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ông vừa làm việc với các nhà đầu tư về đề xuất đầu tư cụm Dự án về điện năng tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh này.
Theo ông Đồng, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 và các đối tác do ông Đinh Quang Tri, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2, Chủ tịch Công ty Vinapitco làm trưởng đoàn đã có đề xuất nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Hydro xanh tại tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể, ông Đinh Quang Tri đại diện cho các nhà đầu tư đề xuất tỉnh Quảng Trị xem xét chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu địa điểm đầu tư Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng, bao gồm các nhà máy điện mặt trời, điện gió; nhà máy sản xuất H2/NH3 dự kiến tại Khu kinh tế Đông Nam với diện tích khoảng 40 ha.
Xem xét giới thiệu thêm cho nhà đầu tư một số vị trí, địa điểm thuận lợi khác căn cứ theo tiêu chí lựa chọn địa điểm đã nêu trong báo cáo, đặc biệt là các vùng đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có thể kết hợp điện mặt trời để khảo sát và đề xuất vị trí phù hợp nhất, cũng như dự phòng mở rộng trong tương lai.
Xem xét hỗ trợ và có các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư theo quy định đối với các dự án năng lượng xanh và sạch. Xem xét báo cáo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, báo cáo từ nhà đầu tư Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng gồm 3 giai đoạn, trong đó: Giai đoạn 1 có quy mô công suất điện mặt trời là 700 MWp, 300 MW điện gió và 193.000 tấn NH2/năm; giai đoạn 2 là 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 465.000 tấn NH2/năm; giai đoạn 3 là 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 82.000 tấn H2 lỏng/năm.
Dự kiến tổng mức đầu tư 3 giai đoạn hơn