Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, nếu việc giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu mà giá bán lẻ mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng, thì nên xem xét trợ giá xăng dầu cho người dân.

Thưa ông, hiện giá bán lẻ xăng dầu đã thiết lập kỷ lục và kỷ lục này sớm muộn cũng sẽ bị phá. Để giảm giá xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải giảm mạnh các loại thuế đánh vào mặt hàng chiến lược này?

Có 4 loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để giảm giá bán lẻ xăng dầu đã và đang được nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực áp dụng, như giảm các loại thuế, trợ giá và đồng thời cả trợ giá lẫn giảm thuế.

Giảm thuế tác động ngay tới giá bán lẻ xăng dầu, bởi thuế ở Việt Nam chiếm 29-31% giá bán lẻ xăng dầu, nên việc giảm thuế ngay lập tức giảm được giá bán lẻ. Việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng chiến lược này kể từ ngày 1/4/2022 đã kìm hãm được đà tăng giá trong vài lần điều chỉnh xăng giảm 2.000 đồng/lít; diesel, mazut giảm 1.000 đồng/lít; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít. Tuy nhiên, do giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục, khiến việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đã không thể kìm được tốc độ tăng giá bán lẻ xăng dầu, cho dù liên bộ Tài chính – Công thương đã điều hành Quỹ Bình ổn xăng dầu rất linh hoạt (giảm mức trích, tăng mức sử dụng).

Vì vậy, phải tính ngay tới việc giảm các loại thuế khác đánh vào mặt hàng xăng dầu, thưa ông?

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng E5 trên thị trường thế giới đã tăng từ 91,17 USD/thùng lên 141,37 USD/thùng (thời điểm ngày 21/5/2022), tăng hơn 55%; xăng RON 92 tăng từ 93,14 USD/thùng lên 146,20 USD/tấn, tăng gần 57%. Dầu hỏa, mazut, diesel cũng tăng tương tự, nhưng giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam chỉ tăng 26-43%, tùy loại, nhờ giảm 50% thuế bảo vệ môi trường.

Do giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục, nên việc giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 – 2.000 đồng trên mỗi lít xăng dầu không thể kìm hãm được giá bán lẻ trong nước. Vì vậy, phương án giảm thuế đã được Bộ Tài chính tính đến. Do việc giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không thể sửa ngay được, nên khả dĩ nhất trong lúc này là tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời giảm thuế nhập khẩu.

Theo tôi được biết, Bộ Tài chính đã có phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20%, xuống còn 12%, nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Cho dù có tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường thì dư địa không còn nhiều do mức thuế sàn đối với xăng là 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 500 đồng/lít, các loại dầu khác là 300 đồng/lít. Giảm thuế nhập khẩu cũng không có nhiều tác dụng nếu giá xăng trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao. Thưa ông, cần thêm giải pháp gì nữa?

Như tôi đã nói, có 3 cách tiếp cận để giảm giá bán lẻ xăng dầu. Trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu và tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, trong khi chưa thể giảm ngay được thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, thì có thể kết hợp với việc trợ giá xăng dầu cho người dân như nhiều nước đã thực hiện.

Việc hỗ trợ người dân cũng không phải là quá mới mẻ đối với Việt Nam, nên có thể thực hiện được. Chẳng hạn, năm 2020 và năm 2021, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân gặp khó khăn (bị mất việc, nghỉ việc luân phiên, giảm thu nhập…) do đại dịch Covid-19. Hiện tại, thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, các địa phương đang tích cực giải ngân gói tài khóa trị giá 6.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Việc hỗ trợ trực tiếp giúp người dân giảm được phần nào chi phí xăng dầu, nhưng quan trọng hơn là thể hiện được sự quan tâm, hỗ trợ người dân của Chính phủ lúc giá cả tăng cao.

Nhưng thưa ông, vấn đề là tiền ở đâu để hỗ trợ trực tiếp?

Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước đã đạt trên 57% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng dầu thô đã đem về cho ngân sách nhà nước 29.400 tỷ đồng, vượt 4,4% dự toán và tăng 91% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá dầu tăng mạnh (giá thanh toán bình quân đạt 97,4 USD/thùng, tăng 37,4 USD/thùng so dự toán, tăng 49,8% so cùng kỳ).

Như vậy, nhờ dầu thô tăng giá mạnh, ngân sách tăng thu rất lớn từ hoạt động khai thác dầu thô, nên ngân sách trung ương (dầu thô đóng góp 100% vào ngân sách trung ương) có thể trích một phần từ dầu thô để hỗ trợ trực tiếp (trợ giá) cho người dân.

Đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài thì sao, thưa ông?

Xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất, nên khi mặt hàng này tăng giá thì không chỉ giao thông, vận tải tăng giá, mà còn kéo giá điện, nước… cũng tăng. Vì vậy, trước mắt và lâu dài, phải thực hiện nghiêm túc Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; từng bước loại bỏ phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp…

Phải thừa nhận rằng, người tiêu dùng, cả doanh nghiệp, tổ chức lẫn cá nhân, hiện vẫn chưa sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có một phần do công tác thông tin, truyền thông chưa tốt. Chính vì vậy, cần phải tập trung tuyên truyền về việc sử dụng tiết kiệm xăng dầu nói riêng, năng lượng nói chung. Đây là giải pháp tình thế cũng như lâu dài, thực hiện kiên trì, bền bỉ, nhằm nâng cao ý thức sử dụng năng lượng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cũng nên chuẩn bị sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết giá năng lượng theo mục đích và giai đoạn nhất định; hỗ trợ tài chính, giá năng lượng và các chính sách ưu đãi cần thiết khác để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo: Báo đầu tư