Sau sự kiểm tra, đốc thúc của 6 Tổ công tác của Chính phủ, tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công có được cải thiện nhưng chưa nhiều, vẫn còn chậm

Có chuyển biến, nhưng chưa nhiều

Báo cáo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Chính phủ cho biết, tính đến ngày 31/5, các bộ, cơ quan và địa phương vẫn chưa phân bổ chi tiết khoảng 37.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, bằng 7,1% kế hoạch Thủ tưng Chính phủ giao.

Trong khi tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm ước đạt 22,37% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021 (22,12%).

“Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các Tổ công tác, tình hình giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến nhưng chưa nhiều”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Cụ thể, số lượng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ vốn ngân sách nhà nước giảm 4 đơn vị và lượng vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ giảm hơn 1/3 (từ 11.815,7 tỷ đồng xuống còn 7994,7 tỷ đồng).

Còn số đơn vị chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%) giảm từ 17 bộ, cơ quan trung ương còn 5 cơ quan trung ương.

Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phân bổ, giải ngân chậm là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù.

Cùng với đó, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện, vẫn còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; chất lượng chuẩn bị dự án thấp.

Chưa kể, một nguyên nhân quan trọng khác là các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Song song đó, năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn yếu kém; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công; quy định về thời gian thẩm định dự án, phê duyệt dự án hầu như chưa được tuân thủ theo đúng quy định…

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do đặc thù của năm 2022. Chẳng hạn, năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhưng thực chất lại là năm đầu tiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021.

Chính vì vậy, đây là thời điểm các bộ ngành, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án, trong khi thời gian chuẩn bị dự án thường mất khoảng từ 6-8 tháng. Do đó, tiến độ giải ngân vốn của những dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Đồng thời, những tháng đầu năm, giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao dẫn đến tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng, nhất là những nhà thầu ký hợp đồng theo đơn giá cố định.

Tiếp tục phê bình các đơn vị phân bổ vốn và giải ngân chậm

Tổng hợp lại, 6 Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, có 2 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chậm phân bổ vốn, chậm giải ngân. Đó là nhóm nguyên nhân về thể chế, chính sách và nhóm nguyên nhân liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện.

Về thể chế, qua làm việc với các bộ ngành, địa phương, vướng mắc chính nằm ở các quy định liên quan đến thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập…

Các quy định về miễn giảm thuế, khái niệm “khoáng sản”… cũng ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công.

Trong khi đó, liên quan đến triển khai, thực hiện, 6 Tổ công tác cho biết, khó khăn nằm ở việc khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng, giá tăng cao; các dự án khởi công mới còn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng…

Cho rằng năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng như tạo động lực tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đạt 100% như kế hoạch được Quốc hội quyết định.

Theo đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất, mà một trong số đó là phê bình 12 bộ, cơ quan trung ương và 16 địa phương đến ngày 31/5/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, phê bình 5 cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%).

Các đơn vị này phải tổ chức kiểm điểm, báo cáo kết quả  gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo: Báo đầu tư