Vĩnh Long: Gần 310 tỷ đồng xây dựng Hệ thống thủy lợi Cồn Lục Sỹ giai đoạn 2; Vĩnh Long: Gần 800 tỷ đồng xây dựng công trình Kè chống sạt lở sông Tắc Từ Tải…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Quy hoạch phải mở đường thắng lợi

Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã họp và thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Thanh Hóa trở thành tỉnh thứ năm qua giai đoạn thẩm định, bước vào giai đoạn hoàn tất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với 4 tỉnh khác là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang và Lào Cai đã hoàn thành trước đó.

Trong kế hoạch làm việc của Hội đồng, hiện có 19 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lập quy hoạch đăng ký thẩm định. Đó là Đà Nẵng, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thái Nguyên, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Trà Vinh, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang.

Con số này đang tiếp tục tăng nhanh theo nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện công tác quy hoạch để đảm bảo tiến độ, khối lượng công việc mà Luật Quy hoạch đặt ra.

Tất nhiên, phải thẳng thắn, so với tổng số 111 quy hoạch cần được lập theo quy định của Luật Quy hoạch (trong đó, 42 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng, 63 quy hoạch tỉnh) và 7 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt (gồm Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông – vận tải, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang), thì phần việc còn lại vô cùng lớn.

Các thành viên Hội đồng Thẩm định rất nóng ruột, không chỉ về tiến độ, mà còn là chất lượng của các bản quy hoạch.

Dù bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, nhưng các thành viên Hội đồng đều gắn với yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung. Lý do là, cũng như nhiều địa phương khác, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa chứa đựng nhiều mục tiêu cao, tham vọng lớn với ý chí, quyết tâm chính trị rõ ràng của chính quyền và nhân dân, nhưng lại chưa xác định rõ nét động lực thực thi, ưu tiên phát triển để phân bổ nguồn lực phù hợp. Đặc biệt, dấu ấn của tư duy thị trường, tính liên kết trong phát triển chưa được thể hiện rõ.

Chia sẻ tại cuộc làm việc của Hội đồng với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói, công tác quy hoạch được ví như là người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi; nếu làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.

Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017 với tinh thần như vậy: hướng tới đổi mới về tư duy, phương pháp và nội dung quy hoạch, mà cốt lõi chính là sự sắp xếp, phân bố không gian, tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và Dự án đầu tư mới cho đất nước, từng ngành, địa phương.

Chính vì vậy, cách tiếp cận trong quy hoạch phát triển địa phương, một mặt là từ tiềm năng của địa phương để phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác tốt hơn các cơ hội hiện có, hoặc tận dụng các cơ hội mới xuất hiện; mặt khác, phải tiếp cận từ khát vọng phát triển, từ các xu hướng mới, tiềm năng mới đang liên tục xuất hiện trên toàn cầu, nhằm chủ động tạo cơ hội mới, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, từ thế giới cho phát triển địa phương.

Có thể hiểu, câu trả lời cho những câu hỏi mà các địa phương thường đặt ra mỗi khi bước vào một thời kỳ phát triển mới, đó là có phát triển nhanh và bền vững hay không; có tận dụng được hết các tiềm năng, lợi thế không; có vượt qua được các thách thức không; có tranh thủ được các mô hình hay, kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới không… phụ thuộc rất lớn vào tư duy, tầm nhìn và chất lượng của từng bản quy hoạch.

Nhưng sự thay đổi lớn về nội dung quy hoạch tất yếu dẫn đến những thay đổi lớn về tư duy, phương pháp lập quy hoạch, chứ không đơn thuần chỉ là một quy trình hoặc kỹ thuật mới. Vậy nên, những lúng túng, chậm trễ, chưa nhận thức đầy đủ các khái niệm, tư duy mới; còn ngần ngại, thiếu chủ động, chưa dám thay đổi cách làm trong giai đoạn vừa qua là tất yếu. Cũng còn có những vướng mắc do hệ thống quy định chưa theo kịp.

Nhiều giải pháp trước mắt, trong đó có những giải pháp cấp bách, mang tính đặc thù đã được đề xuất, sẽ được bàn thảo trong nghị trình Quốc hội tuần này. Việc xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện công tác quy hoạch cũng đã được đề cập. Cùng với đó là việc rà soát để hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật đã có trong kế hoạch dài hơi hơn…

Nhưng phải nhấn mạnh, sự chậm trễ này không thể kéo dài hơn, vì nhiều cơ hội, nguồn lực để phục hồi và phát triển của đất nước đang chờ người mở đường. Không có quy hoạch, thì có tiền cũng khó có thể tiêu được…

Vốn FDI tăng tốc vào dự án công nghiệp công nghệ cao

Một thông tin luôn được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh trong các báo cáo gần đây về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, đó là có nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng với quy mô lớn.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nhắc đến một loạt dự án để chứng minh cho nhận định trên: Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên), tăng vốn thêm 920 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) – tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Phú Thọ) – tăng 163 triệu USD…

Đáng chú ý, báo cáo Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, khi đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm ngoái đã lên tới 38,85 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020.

Đặc biệt, trong 3 dự án tỷ USD được cập nhật, có một dự án trong lĩnh vực công nghệ cao quy mô vốn lên tới trên 3 tỷ USD. Dự án này, có thể nói, đã góp phần quan trọng gia tăng đáng kể vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam, đồng thời khẳng định xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài “thích” lựa chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của mình.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một loạt tập đoàn lớn, trong đó có các tên tuổi lừng danh trong lĩnh vực công nghệ cao, như Intel, Apple, Google. Khẳng định từ các tập đoàn này cho thấy, họ đều đang “nhắm” vào Việt Nam.

Intel đã hoàn tất các khoản đầu tư giai đoạn I và đang chuẩn bị cho giai đoạn II. Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Tim Cook, CEO của Apple, thì Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam. Một khi Apple quyết định điều này, thì có thể Foxconn, Goertek, Pegatron, Winston… sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, bởi đây chính là các nhà gia công sản phẩm cho Apple.

Thông tin cho biết, hiện nay, mặc dù Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, nhưng có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với khoảng 160.000 lao động. Nếu Apple tiếp tục chọn Việt Nam, con số sẽ không ngừng tăng lên.

Không chỉ riêng vốn trong lĩnh vực công nghệ cao, mà nhìn chung, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tích cực. Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, 5 tháng đầu năm, đã có trên 11,71 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Sự sụt giảm chủ yếu do vốn đăng ký mới tiếp tục giảm và giảm là do cùng kỳ năm ngoái có quá nhiều dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, cả vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt gần 4,12 tỷ USD, giảm 53,4%; vốn điều chỉnh đạt 5,61 tỷ USD, tăng 45,4%; còn vốn góp, mua cổ phần đạt trên 1,98 tỷ USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ.

“Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Không chỉ các nhà quản lý về đầu tư nước ngoài mới đưa ra những đánh giá lạc quan như vậy. Tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022, do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, các ý kiến đánh giá đều rất tích cực về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Và tất nhiên, các cơ hội rộng mở này có xuất phát điểm từ xu hướng gia tăng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, khi nhắc đến xu hướng nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, dù cho rằng Trung Quốc vẫn là công xưởng lớn của thế giới, song cũng khẳng định: “Việt Nam là quốc gia có vị trí tốt và có nhiều lợi thế để trở thành ‘người thắng cuộc’ trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc +1”.

Trong khi đó, ông Pao Jirakulpattana, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus Singapore cho rằng, khi trên thế giới có những căng thẳng, thì ASEAN sẽ là khu vực tốt để thu hút các nhà đầu tư, trong đó Việt Nam là một điểm đến lý tưởng.

Hơn 600 doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia “Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022”

Ngày 31/5/2022, UBND TP. Đà Nẵng đã thông tin về việc tổ chức “Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022” và các sự kiện diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong tháng 6/2022.

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội”; trong 5 tháng đầu năm 2022, mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố đã trở lại trạng thái bình thường mới. Chính quyền Thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển.

Để tạo đà tăng trưởng cho thành phố sau thời kỳ đóng băng vì đại dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện trong tháng 6; trong đó có Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 25/6/2022.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, tại Diễn đàn, Thành phố sẽ công bố thông tin về kế hoạch, tiến độ triển khai điều chỉnh Quy hoạch phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các Dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố; danh mục quỹ đất phục vụ kêu gọi thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, Thành phố sẽ công bố Quy trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, cụm công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, kiến nghị với Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.…

“Diễn đàn còn là cơ hội để chính quyền thành phố trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về những mục tiêu, tiềm năng phát triển của Đà Nẵng, đồng thời lắng nghe các tư vấn, góp ý, kiến nghị, đề xuất để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thật sự trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam”, ông Minh thông tin.

Ngoài ra, trong “Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022”, TP.Đà Nẵng cũng sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư cho các dự án trong nước và dự án FDI; trao các thỏa thuận nguyên tắc, hợp tác đầu tư giữa thành phố với các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động bên lề Diễn đàn cũng được tập trung tổ chức như Triễn lãm Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch phân khu các phân khu chức năng theo Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Diễn đàn dự kiến có sự góp mặt của gần 600 đại biểu và các hội, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp trong và ngoài nước.  Đà Nẵng kỳ vọng Diễn đàn sẽ quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong chuỗi các sự kiện, hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại trong tháng 6/2022, đáng chú ý trên địa bàn thành phố cũng sẽ diễn ra 4 lễ khởi công các dự án như Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng đại học; dự án Nhà máy nhựa Long Thành thành phố Đà Nẵng tại Khu công nghiệp Liên Chiểu; dự án Trung tâm Nesta Đà Nẵng tại Khu công nghệ thông tin tập trung và dự án của Công ty Cổ phần Dana Logistics tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng.

Ngoài ra, Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động chính thức khu Khách sạn thuộc Dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort.

Bên cạnh đó, TP.Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức sự kiện Routes Asia 2022. Sự kiện có sự tham gia của khoảng 450 đại biểu đến từ hơn 200 đơn vị, tổ chức quốc tế về hàng không khu vực châu Á, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ nhằm xúc tiến các mối quan hệ hợp tác xây dựng và mở rộng đường bay và mạng lưới kinh doanh hàng không.

Trong khuôn khổ Routes Asia 2022, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ chủ trì tổ chức Diễn đàn “Đà Nẵng – Điểm đến đầu tư tiềm năng của châu Á”.

Sóc Trăng đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu dịch vụ, cư xá công nhân KCN An Nghiệp

Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa ký ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu dịch vụ và cư xá công nhân Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng.

Địa điểm thực hiện dự án tại TP. Sóc Trăng, với mục tiêu nhằm hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phục vụ dự án Khu dịch vụ và cư xá công nhân Khu công nghiệp An Nghiệp; góp phần tạo quỹ đất, quỹ nhà ở đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.

Quy mô đầu tư dự án gồm xây dựng mới 11 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 3.277 m, bề rộng nền đường từ 9,5 – 26 m, kết cấu mặt đường láng nhựa, tải trọng thiết kế trục đơn 10 tấn và 12 tấn.

Đồng thời, xây mới 1 cầu, tải trọng thiết kế HL93, bề rộng toàn cầu 26 m; thoát nước mặt sử dụng cống bê tông cốt thép đường kính từ D400 – D1200; thoát nước sinh hoạt sử dụng cống bê tông cốt thép đường kính từ D200 – D500; cấp nước sinh hoạt sử dụng ống PVC đường kính từ D110 – D250.

Cùng với đó là san lấp mặt bằng và các hạng mục phụ trợ khác như: Cây xanh, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, hào kỹ thuật…

Đây là dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư 238,896 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Nguồn tăng thu ngân sách tỉnh (nguồn vốn xổ số kiến thiết thu vượt dự toán năm 2021) là 114,647 tỷ đồng; nguồn vốn xổ số kiến thiết giai đoạn 2021 – 2025 là 124,249 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án: Giai đoạn 2022 – 2025.

HĐND tỉnh Sóc Trăng giao UBND Tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo chủ đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thành thủ tục, trình cấp thẩm quyền quyết định đầu tư dự án; đảm bảo nguồn vốn thực hiện hàng năm và kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đúng quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

Tiền Giang giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 39% sau 5 tháng

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 3.940,696 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31/5/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh ước 1.541 tỷ đồng, tăng 29%