(ĐTCK) Quyết định xuống tiền theo các thông tin dạng “rỉ tai”, “phím hàng” đã và đang là thói quen của nhiều nhà đầu tư cá nhân. Điều này góp thêm sắc màu cho bức tranh thị trường chứng khoán, song cũng có không ít tình huống dở khóc dở cười.

Tăng sốc, giảm sâu bởi tin đồn

Thông tin luôn là một trong những yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư chứng khoán trong việc phân tích, đánh giá một cơ hội đầu tư. Việc biết tin sớm mang lại nhiều lợi thế cho nhà đầu tư, tất nhiên phải là tin chuẩn xác. Điểm khác biệt giữa các nhà đầu tư bài bản và nhà đầu tư còn non kinh nghiệm chính là việc sàng lọc thông tin, phân tích thông tin, kết hợp với phân tích cơ bản, triển vọng doanh nghiệp.

Ví dụ tiêu biểu gần đây là trường hợp cổ phiếu PTL. Hồi đầu tháng 8/2022, cổ phiếu này đã có nhiều phiên tăng trần liên tục, đưa giá cổ phiếu từ mức giá 4.600 đồng/cổ phiếu lên quanh vùng 8.000 đồng/cổ phiếu.

Chỉ trong hơn 1,5 tháng (từ 1/8 – 21/9), cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng hơn 60% – tỷ lệ đáng mơ ước trong bối cảnh thị trường có nhịp hồi nhẹ sang giai đoạn rơi sâu từ tháng 5 tới tháng 7.

Trong giai đoạn này, thông tin đáng chú ý nhất tại PTL là doanh nghiệp có kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu vào quý III và quý IV/2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng gấp đôi, lên 2.000 tỷ đồng.

PTL cũng công bố danh sách các nhà đầu tư sẽ tham gia đợt phát hành cổ phiếu, bao gồm 2 tổ chức là Công ty cổ phần Grand House và Công ty cổ phần KoKo Capital; cùng 4 cá nhân từng công tác hoặc có mối quan hệ tại Tập đoàn Đất Xanh.

Thông tin này được chia sẻ rộng rãi trong các room chat và nhiều nhà đầu tư đặt ra nghi vấn có hay chăng việc Tập đoàn Đất Xanh sẽ thâu tóm PTL. Thậm chí, có người còn “gắng gượng” gán ghép, đặt kịch bản về sự kiện phát hành trái phiếu 300 triệu USD của DXG có thể là để rót vốn vào PTL – chỉ vì thông tin đợt phát hành của hai doanh nghiệp này đều diễn ra vào cuối năm 2022.

Phóng viên Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với Tập đoàn Đất Xanh, phía doanh nghiệp này khẳng định, việc sở hữu cổ phần tại PTL chỉ là sở hữu cá nhân, hoàn toàn không liên quan đến Tập đoàn. Đồng thời, các kế hoạch huy động vốn của Đất Xanh không liên quan đến kế hoạch huy động vốn, hay phát triển của PTL.

Hiện tại, PTL vẫn chưa giải quyết được các vấn đề tồn đọng sau đổi chủ. Dù lãi năm 2021 đạt 28 tỷ đồng, cao gấp 14 lần cùng kỳ, song lỗ lũy kế tới cuối năm 2021 là 267 tỷ đồng. Hai quý đầu năm nay, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 4,6 tỷ đồng.

HOSE đã đưa cổ phiếu PTL từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 12/7/2022 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 là âm 442,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của cổ đông công ty mẹ năm 2021 là 15,8 tỷ đồng…

Với thông tin doanh nghiệp chưa có khởi sắc về hoạt động kinh doanh như trên, dù trước đó có thay đổi cổ đông lớn, thường cũng khó thu hút dòng tiền nhà đầu tư. Nhưng nếu cổ phiếu tăng trần liên tục, lại có thêm thông tin “rỉ tai”, “tin hành lang”, “tin dự đoán”… lại dễ kích thích các nhà đầu tư hơn. Dù rằng, thông tin này chưa hề được kiểm chứng, phía doanh nghiệp cũng không công bố thông tin nào có liên quan.

Diễn biến đáng chú ý khác là cổ phiếu KPF đã có chuỗi tăng ấn tượng, trong đó có nhiều phiên tăng trần liên tục, đưa cổ phiếu từ vùng 10.500 đồng/cổ phiếu (ngày 11/8/2022) lên 22.600 đồng/cổ phiếu (ngày 30/8/2022). Nhưng sau đợt tăng bốc đầu này, đồ thị cổ phiếu KPF đang thiết lập hình cây thông khi giảm mạnh với nhiều phiên kịch sàn từ đầu tháng 9 tới nay. Nếu tính giá đóng cửa phiên 31/8 và 21/9, KPF ghi nhận mức giảm 40%.

Phía KPF đã có giải trình, cụ thể, trong thời gian từ ngày 31/8 đến ngày 8/9, cổ phiếu KPF có 5 phiên giảm sàn liên tiếp do cung – cầu của thị trường, nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty. Hiện tại, KPF cũng chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào khiến cho giá cổ phiếu của Công ty tăng giảm liên tục trong thời gian vừa qua.

Vốn dĩ KPF là cổ phiếu có thanh khoản thấp, nên thường không được chú ý, nhưng vẫn có những nhóm nhỏ nhà đầu tư cá nhân chọn điểm mua tốt nên thu hoạch được thành quả rất khá. Tại đại hội cổ đông 2022, KPF trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thêm 614 tỷ đồng, thông qua việc phát hành hơn 47,26 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá 13.000 đồng/cổ phiếu.

Theo thông tin KPF công bố, có 3 nhà đầu tư đã đăng ký mua toàn bộ số cổ phần riêng lẻ mà đơn vị này phát hành. Trong đó, Công ty cổ phần VN Stock dự kiến mua 22,5 triệu đơn vị, tương ứng chiếm 20,8% vốn điều lệ sau phát hành; Công ty cổ phần VN Value dự kiến mua 23,6 triệu cổ phiếu, chiếm 21,86% vốn điều lệ sau phát hành; ông Lin Yi Hoang mua 1,13 triệu cổ phiếu, chiếm 1,05% vốn điều lệ sau phát hành.

Tổng cộng 3 nhà đầu tư này sẽ chiếm 43,7% vốn điều lệ sau khi phát hành. Chính bởi thông tin này, để tìm “lý do” hợp lý cho đà tăng của cổ phiếu, có một số nhà đầu tư đặt nghi vấn đổi chủ tại doanh nghiệp. Nhưng công cuộc đổi chủ thực hư ra sao chưa rõ, mà chỉ trong nửa đầu tháng 9, cổ phiếu KPF đã quay đầu giảm sốc – và nhà đầu tư cũng chưa tìm được lý do hợp lý cho đà giảm này.

Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp tin đồn trên thị trường, đặc biệt từ năm 2021 – năm bùng nổ của chứng khoán với dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân, chỉ cần thông tin dự đoán và chưa được xác thực cũng đã vội xuống tiền.

“Tại anh, tại ả”

Thị trường chứng khoán muôn vàn sắc màu, quy tụ nhiều gu đầu tư khác nhau, việc tin đồn vẫn luôn có sức hút, có đất sống có nguyên nhân sâu xa là nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đích đáng đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR). Rất nhiều doanh nghiệp niêm yết không cập nhật thường xuyên hoạt động công ty, chỉ thực hiện các công bố thông tin theo quy định.

Việc tin đồn vẫn luôn có sức hút, có đất sống có nguyên nhân sâu xa là nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đích đáng đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR).

Mặt khác, có thực tế là, dù có những doanh nghiệp có hàng nghìn cổ đông, nhưng đến kỳ đại hội cổ đông, chỉ có số ít cổ đông tham dự.

Có nhiều nguyên nhân của hiện tượng này, một trong số đó là cổ đông cá nhân ưa thích trading lướt sóng, việc tìm hiểu thông tin về chiến lược phát triển và hoạt động doanh nghiệp qua kênh chính thống ít được chú ý, song lại ưa thích những thông tin mang tính “rỉ tai” trên thị trường.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty tư vấn độc lập FIDT chia các nhà đầu tư cá nhân thành hai nhóm: Một là nhà đầu tư bình thường với kinh nghiệm 5-10 năm, họ đã có chiến lược đầu tư hợp lý; Hai là các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường khoảng 3 năm, nhóm này rất quan tâm tới các thông tin nóng, những thông tin có thể tạo ra lợi nhuận trong vài ngày.

Theo vị chuyên gia, nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm thường bật đồ thị kỹ thuật để xem điểm mua, điểm bán cổ phiếu, tuy nhiên, thị trường Việt Nam đang phát triển và có nhiều sự thao túng để thu hút nhà đầu tư vào cạm bẫy. Do đó, nhà đầu tư cá nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch, chất lượng cao hoặc có thể gửi tiền cho các quỹ đầu tư.

Theo Tin nhanh chứng khoán