(ĐTCK) Các công ty chứng khoán đã có tuần không mấy thành công khi hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị chỉ biến động nhẹ với những phiên tăng giảm xen kẽ.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* SBS đánh giá cổ phiếu NT2 tích cực

NT2 là doanh nghiệp cung cấp điện thị trường nội địa. Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng bởi giá khí tăng cao và sự cạnh tranh từ năng lượng tái tạo và thuỷ điện, tuy nhiên triển vọng dài hạn của NT2 vẫn tích cực khi sở hữu vị trí thuận lợi với trung tâm công nghiệp trọng điểm phía nam cùng bức tranh tài chính khá đẹp.

Định giá của NT2 cao hơn 15% so với giá tham chiếu ngày 08/9 của NT2 ở mức 27,250 đồng/CP, do đó SBS đánh giá cổ phiếu NT2 là tích cực.

Mặc dù được đánh giá là nhóm cổ phiếu phòng thủ tốt nhưng trong bối cảnh thị trường khá yếu và liên tục điều chỉnh, cổ phiếu NT2 cũng không thoát khỏi xu hướng chung. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm nhưng phiên tăng duy nhất ngày 22/9 hết biên độ đã giúp cổ phiếu NT2 không mất giá trong tuần qua. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 tăng nhẹ 150 đồng (+0,48%) từ mức giá 31.000 đồng/CP lên 31.150 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu là 18.000 đồng/CP

Dựa trên định giá SOTP và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW. Giá mục tiêu là 18.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 26,3% so với giá tại ngày 15/09/2022.

Mới đây, PV Power đã có công bố kết quả kinh doanh tháng 8 khá tích cực với tổng doanh thu đạt 1.868 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và vượt 16% so với kế hoạch. Tuy nhiên, cổ phiếu POW đã có tuần rung lắc và mất điểm. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm 850 đồng (-5,96%) từ mức giá 14.250 đồng/CP xuống 13.400 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua, BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ

Trong năm 2022, KBSV dự phóng kết quả hoạt động kinh doanh của PNJ với doanh thu thuần đạt 29.111 tỷ đồng (tăng 48,4% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.615 tỷ đồng (tăng 56,4%). Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ, mức giá mục tiêu 141.200 đồng/CP, cao hơn 25% so với mức giá đóng cửa ngày 13/09/2022.

Bên cạnh đó, BVSC ưa thích PNJ với: (1) giá trị thương hiệu hàng đầu; (2) vị thế dẫn đầu thị trường để hưởng lợi từ: (i) xu hướng hợp nhất đang diễn ra của ngành, và (ii) sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam; và (3) tác động hạn chế từ lạm phát. BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM và giá mục tiêu ở mức 141.000 đồng/cổ phiếu (Upside: 23,8%).

Bất chấp những thông tin tích cực như kết quả kinh doanh tháng 8 cho thấy doanh thu thuần Công ty đạt 2.328 tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 79 tỷ đồng và lũy kế 8 tháng lãi 1.246 tỷ đồng, tăng trưởng 99,4% và vượt con số cả năm 2021 cũng như nhiều năm liền trước, diễn biến cổ phiếu PNJ tuần qua lình xình đi ngang. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng nhẹ 700 đồng (+0,62%) từ mức giá 113.200 đồng/CP lên 113.900 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu DXG với giá mục tiêu là 39.800 đồng/CP

Dựa trên triển vọng kinh doanh và định giá, chúng tôi tiếp tục đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DXG với giá mục tiêu là 39.800 đồng/CP, cao hơn 53% so với giá đóng cửa ngày 14/09/2022.

Cùng thông tin Chủ tịch Lương Trí Thìn tiếp tục mua thêm 5 triệu cổ phiếu và thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao, nhưng cổ phiếu DXG đã có tuần biến động rung lắc mạnh. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DXG tăng nhẹ 200 đồng (+0,81%) từ mức giá 24.600 đồng/CP lên 24.800 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu LPB với giá mục tiêu 22.300 đồng/CP

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu LPB là 22.300 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Trái với nhận định của PHS, nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung và LPB nói riêng vẫn chưa xuất hiện tín hiệu lạc quan. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu LPB giảm 400 đồng (-2,82%) từ mức giá 14.200 đồng/CP xuống 13.800 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 26.800 đồng trên cơ sở Giá thuê tàu dầu thô và dầu sản phẩm tăng mạnh 104-128% từ đầu năm 2022; Đội tàu được đầu tư tăng quy mô và trẻ hóa sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh của công ty trong những năm tới; Tiềm năng phát triển to lớn của lĩnh vực vận tải khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong dài hạn.

Trái với khuyến nghị của MBS, cổ phiếu PVT tiếp tục có thêm một tuần điều chỉnh nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT giảm 700 đồng (-3,18%) từ mức giá 22.000 đồng/CP xuống 21.300 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và định giá từng phần, VCBS ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu MWG là 96.100 đồng/CP, tương ứng với P/E fwd 18 lần. Chúng tôi xin đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG, tiềm năng tăng giá 33%.

Sau đợt hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối tháng 8, cổ phiếu MWG đã liên tiếp có những tuần không mấy thuận lợi trong tháng 9. Và tuần qua, cổ phiếu MWG tiếp tục để mất điểm trong bối cảnh thị trường chung giảm khá mạnh. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 2.600 đồng (-3,61%) từ mức giá 72.000 đồng/CP xuống 69.400 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua đối với DPM và khả quan đối với DCM

BSC duy trì quan điểm khả quan trong năm 2022 đối với ngành phân bón và khuyến nghị mua đối với DPM và khả quan đối với DCM.

Bên cạnh thị trường chung lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần ngày 19/9, nhóm cổ phiếu phân bón cũng đua nhau nằm sàn. Dù sau đó đã có những nhịp hồi phục tích cực nhưng cũng không đủ để giúp các mã này thoát khỏi tuần điều chỉnh. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm, trong đó phiên 19/9 giảm sàn và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPM giảm 2.600 đồng (-5%) từ mức giá 52.100 đồng/CP xuống 49.500 đồng/CP.

Tương tự, với việc đón nhận 3 phiên giảm, trong đó phiên 19/9 giảm sàn và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DCM giảm 750 đồng (-2,03%) từ mức giá 37.000 đồng/CP xuống 36.25 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho DRC với giá mục tiêu 36.101 đồng/CP

Tại mức giá hiện tại, DRC đang giao dịch ở mức P/E năm 2022-2023 lần lượt là 10,4x và 10,0x, hấp dẫn so với mức 14,1x của trung bình 5 năm qua, với triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn, cùng với chu kỳ tăng trưởng trong dài hạn được đảm bảo bởi việc tăng công suất nhà máy lốp Radial giai đoạn 3. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu không đổi cho DRC theo phương pháp DCF là 36.101 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 18,4%).

Cổ phiếu DRC đã có những phiên hồi phục tích cực và đã lấy lại đà tăng sau tuần mất điểm giữa tháng 9. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC tăng 1.100 đồng (+3,67%) từ mức giá 30.000 đồng/CP lên 31.100 đồng/CP.

Theo Tin nhanh chứng khoán