(ĐTCK) Nhờ tác động từ các chính sách vĩ mô quốc tế, nhóm cổ phiếu lương thực, thực phẩm đã có sắc xanh trong tuần giao dịch đầy sóng gió vừa qua và dự báo sẽ còn diễn biến tích cực.

Trong nhóm cổ phiếu nông nghiệp, PAN đóng cửa phiên cuối tuần tăng hơn 8%, TAR tăng gần 5%, LTG tăng 3%. Vận động của nhóm cổ phiếu gạo xuất phát từ câu chuyện Ấn Độ cấm xuất khẩu một số mặt hàng gạo và qua đó tạo ra kỳ vọng tăng giá đối với gạo Việt Nam xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 718.081 tấn gạo, tương đương 339,6 triệu USD, tăng 23% về lượng và tăng 19% về giá trị. So với tháng 8/2021, khối lượng xuất khẩu tăng 44%, giá trị tăng 40%.

Cùng với đó, dưới tác động của diễn biến giá thịt lợn tại Trung Quốc trong tuần thứ hai của tháng 9 tăng tới 53% so với hồi tháng 5/2022 và neo ở mức trung bình khoảng 23,3 USD/kg (thông tin từ trang web theo dõi giá thịt lợn www.zhuwang.cc), nhóm cổ phiếu liên quan tới chăn nuôi nhìn chung tăng giá tốt trong tuần qua. Trong đó, mã HAG tăng gần 10%. Nhóm cổ phiếu thực phẩm khác ghi nhận sắc xanh chiếm ưu thế có thể kể đến như thủy hải sản.

Bên cạnh tăng giá, khối lượng khớp lệnh các cổ phiếu này cũng tăng mạnh, thể hiện khả năng thu hút dòng tiền. Chẳng hạn, DBC trong phiên tăng giá ngày 13/9, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9 triệu cổ phiếu, gấp 3 so với phiên liền trước; trong phiên giao dịch khó khăn ngày 14/9, cổ phiếu này cũng có hơn 6 triệu đơn vị được khớp lệnh và giá tiếp tục tăng (nhưng 2 phiên cuối tuần lại giảm).

Trong danh mục của nhiều nhà đầu tư, “gạo, thịt” xuất hiện khi cổ phiếu hút dòng tiền. “Em thấy dịch bệnh, chiến sự thì em mua gạo, mua lợn. Em cứ đảo vòng quanh các cổ phiếu này và cũng kiếm được lợi nhuận. Chỉ với nhóm này, em đã… vào bờ lâu rồi”, Ngọc, một nhà đầu tư trẻ kể.

Nhà đầu tư này mua 10.000 DBC giá 23.800 đồng/CP, mua xong giá rớt xuống 20.000 đồng/CP, rồi xuống 17.000 đồng/CP, mỗi lần cô lại mua thêm 10.000 đơn vị, khi giá hồi phục lên 28.000 đồng/CP, cô bán ra. Giá giảm về 25.000 đồng/CP, cô lại mua vào và đã thực hiện vài vòng lướt sóng như vậy.

Trong nhóm gạo, Ngọc chọn cổ phiếu TAR, giá cứ lên 27.000 – 28.000 đồng/CP là bán, xuống 24.000 – 25.000 đồng/CP thì mua vào. Trong nhóm thủy sản, cô chọn mã IDI, giá xuống vùng 20.000 đồng/CP là mua vào, lên trên 22.000 đồng/CP thì bán ra.

Trái với những cổ phiếu không có tin tức, không có câu chuyện gì đáng chú ý, dễ khiến dòng tiền thờ ơ, trong thời kỳ lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị và chính sách bảo hộ cung – cầu trong nước của nhiều quốc gia, giá cả nhóm hàng hóa, lương thực thực phẩm thường có nhiều thông tin tạo sóng.

Đây cũng là nhóm nằm trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nhiều nước, nên có không ít chính sách mới được ban hành cho phù hợp với bối cảnh thị trường mới. Do đó, “sóng sánh” cũng dễ đến hơn, nhà đầu tư lớn nhỏ thường tập trung giao dịch, từ đó cổ phiếu cũng hút dòng tiền.

Nhưng không phải cứ thuộc nhóm gạo, thịt, thủy sản là cổ phiếu “dàn hàng ngang cùng tiến”. Trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp, đa phần hướng vào một số mã, một số nhóm cổ phiếu, khi được các công ty chứng khoán và truyền thông nhắc đến nhiều, lại càng trở nên nổi bật và thu hút nhà đầu tư hơn. Đó là vì sao, gạo thường là TAR, PAN, thịt là HAG, DBC, thủy sản là ANV, IDI, VHC…

Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, chuyên gia của Công ty Chứng khoán BSC kỳ vọng, nửa đầu năm 2022 là đáy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành chăn nuôi. Đơn cử, DBC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5.772 tỷ đồng, tăng 14% và 22,9 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ, do biên lợi nhuận gộp suy giảm từ 22% xuống còn 9%. Mức giảm sâu của giá lợn hơi, trung bình giảm 21% so với cùng kỳ do nguồn cung dồi dào và nhu cầu chưa phục hồi hậu Covid-19, cũng như giá nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 9 – 47%. Tuy nhiên, đến nay, nhiều yếu tố trong chuỗi lý do giảm giá trên đã thay đổi.

Chiến sự giữa Nga và Ukraine tiếp tục gây đứt gãy nguồn cung, diễn biến thời tiết phức tạp tại các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Canada…, chi phí vận chuyển duy trì ở mức cao trong khi Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid”. Đây là những yếu tố khiến giá cả lương thực, thực phẩm biến động, nhờ đó nhóm cổ phiếu này vẫn được chú ý.

Dù vậy, nếu các nhà đầu tư giá trị “đặt cược” vào triển vọng kinh doanh sáng màu của nhóm nông nghiệp này cũng cần cẩn trọng, bởi tương ứng với giá sản phẩm đầu ra tăng, các chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi với nhóm gia súc, gia cầm, thủy sản và thuốc bảo vệ thực vật với ngành nông nghiệp cũng tăng “cực sốc” thời gian qua.

Theo Tin nhanh chứng khoán