Chỉ số P/B là chỉ số tài chính quan trọng để so sánh giá của cổ phiếu với giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó. Nó được các nhà đầu tư sử dụng để tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai.
Trong bài viết này GCL Invest sẽ giúp các bạn nắm được P/B là gì? Chỉ số P/B bao nhiêu là tốt ? Ý nghĩa việc tính chỉ số P/B ?
1. Chỉ số P/B là gì?
Chỉ số P/B (Price to Book ratio) là 1 chỉ số tài chính quan trọng, được sử dụng để so sánh giá của cổ phiếu với giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó. Chỉ số P/B là một công cụ của phương pháp phân tích cơ bản để định giá cổ phiếu, thể hiện giá cổ phiếu gấp bao nhiêu lần tài sản ròng (ghi ở Báo cáo tài chính của doanh nghiệp)
2. Cách tính chỉ số P/B
Trong đó:
- Giá trị ghi sổ trên 1 cổ phiếu = (Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ) / Số lượng cổ phiếu lưu hành
(Giá trị ghi sổ cho chúng ta biết: Giá trị tài sản (hữu hình) của doanh nghiệp còn lại là bao nhiêu, nếu ngay lập tức doanh nghiệp ngừng hoạt động, không kinh doanh nữa.
- P = Price = Market Price: Giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
- B = Book Value: Giá trị sổ sách một cổ phiếu
3. Ý nghĩa của chỉ số P/B
Chỉ số P/B cho biết: Giá cổ phiếu đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp. Đối với các nhà đầu tư, chỉ số P/B là công cụ giúp họ tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà phần lớn thị trường bỏ qua.
• Nếu chỉ số P/B cao : Cổ phiếu đang định giá cao, hoặc thị trường đang có nhiều kỳ vọng về cổ phiếu này, hoặc công ty có nhiều tài sản ngầm đáng giá hơn nhiều như bất động sản, bằng sáng chế, nắm cổ phần của công ty khác. Chính vì thế mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một số tiền cao hơn giá trị ghi sổ của doanh nghiệp để có thể sở hữu nó.
• Nếu chỉ số P/B thấp: Cổ phiếu đang bị định giá thấp, hoặc công ty đang gặp vấn đề (tài chính, kinh doanh), các nhà đầu tư không mấy khả quan về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc tài sản thực tế của công ty thấp hơn so với phần ghi ở sổ sách (BCTC). Hoặc một trường hợp nữa, doanh nghiệp đang trong quá trình hồi phục sau khủng hoảng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngày một tăng lên khiến cho giá trị cổ phiếu trên sổ sách cũng tăng lên. Như vậy, trong trường hợp này, cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn giá trị thật của nó. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư mua vào và thu được lợi nhuận trong tương lai.
Chỉ số P/B chỉ thực sự có ích khi nhà đầu tư xem xét các doanh nghiệp có mức độ tập trung vốn cao hoặc các công ty tài chính, bởi giá trị tài sản của các công ty này tương đối lớn.
Vì công tác kế toán phải tuân thủ những tiêu chuẩn ngặt nghèo, nên giá trị ghi sổ của tài sản hoàn toàn không tính tới các tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác do công ty tạo ra. Giá trị ghi sổ không có ý nghĩa nhiều lắm với các công ty dịch vụ vì giá trị tài sản hữu hình của họ không lớn.
4. Chỉ số P/B bao nhiêu là tốt?
Trên thực tế, khó có thể xác định chỉ số P/B bao nhiêu là tốt – Nó có thể tốt ở ngành này, nhưng sẽ là kém ở một ngành khác.
Chỉ số P/B nếu đứng riêng lẻ thì không có nhiều giá trị
Muốn biết liệu cổ phiếu đó có đang bị định giá thấp hay không bạn cần so sánh chỉ số P/B với đối thủ cạnh tranh và so với mức trung bình ngành.
5. Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số P/B
Ưu điểm của chỉ số P/B
Giá trị ghi sổ thường luôn dương, nên có thể áp dụng để định giá những doanh nghiệp thua lỗ.
Giá trị ghi sổ thường ổn định hơn EPS. Do đó, trong nhiều trường hợp, khi EPS biến động quá lớn, thì việc áp dụng P/B để xem xét sẽ hiệu quả hơn.
Chỉ số P/B hữu hiệu nhất khi sử dụng để định giá những doanh nghiệp có nhiều tài sản với khả năng thanh toán cao như các công ty bảo hiểm, ngân hàng, công ty đầu tư.
Nhược điểm của chỉ số P/B
Chỉ số P/B chỉ phản ánh giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp. Chỉ số không tính đến các tài sản vô hình như: thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác…Đây đều là những lợi thế cạnh tranh vô hình nhưng có tầm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh càng lớn thì càng có nhiều lợi thế trong việc đàm phán với khách hàng, đối tác, hay nhà cung cấp. Điều đó giúp doanh nghiệp có 1 biên lợi nhuận ở mức cao hơn so với trung bình ngành và duy trì ổn định trong một thời gian dài.
Giá trị ghi sổ có thể không phản ánh đúng giá trị thị trường của tài sản.
Qua bài viết bạn đã hiểu được chỉ số P/B là gì cũng như những vấn đề liên quan về chỉ số tài chính này. GCL Invest hy vọng với những thông tin trong bài viết hữu ích với bạn trong việc đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhất.
Minh Thúy