Trong 3 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã ra quyết định xử phạt, đăng công khai đối với 55 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt khoảng 6.841 triệu đồng.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tình hình kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3 và cả quý 1/2022 đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, với thị trường chứng khoán, tính đến ngày 31/3/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.492,15 điểm, tăng 0,1% so với cuối tháng 2/2022 và giảm 0,41% so với cuối năm 2021. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 449,62 điểm, tăng 2,1% so với cuối tháng trước và giảm 5,1% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt khoảng 7.877 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2021, tương đương 93,8% GDP. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng, giảm 1,8% so với cuối năm 2021, tương đương gần 91% GDP.

Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản bảo đảm….

Về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng và tổ chức kiểm toán được chấp thuận, từ đầu năm đến nay, đã ra quyết định xử phạt, đăng công khai đối với 55 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt khoảng 6.841 triệu đồng.

Đối với thị trường bảo hiểm, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm, cụ thể: Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 54.186 tỷ đồng (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021), tổng tài sản ước đạt 729.096 tỷ đồng (tăng 21,3% so với cùng kỳ năm2021), đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 596.163 tỷ đồng (tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Về kế hoạch, nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 4 và quý 2/2022, Bộ Tài chính cho biết, với công tác quản lý giá, bình ổn thị trường, Cục Quản lý Giá chủ động cập nhật tình hình, diễn biến giá cả thị trường đối với các mặt hàng dự trữ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính, phối hợp với Tổng cục Dự trữ Nhà nước trong công tác xây dựng giá khởi điểm mua, bán hàng dự trữ theo quy định của pháp luật; Tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, thường xuyên đối với giá mua bán hàng hóa dự trữ; Phối hợp với Thanh tra Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, mua sắm hàng dự trữ để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó là chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới để phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành; Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: sách giáo khoa, than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm;….

Riêng với công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, Bộ sẽ triển khai hoạt động tuyên truyền và xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán 2019 theo kế hoạch; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh; Thẩm định hồ sơ chào bán, phát hành theo quy định; giám sát chặt chẽ hoạt động sau chào bán, bảo đảm tuân thủ theo quy định.

“Đặc biệt với các trường hợp tăng vốn nhanh, phát hành riêng lẻ nhưng đồng thời tạo thuận lợi, phục vụ cho doanh nghiệp; Giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán để có đánh giá, phân tích; Xem xét hồ sơ công ty đại chúng để hướng dẫn, yêu cầu thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường theo quy định; Tăng cường giám sát tình hình hoạt động, tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư khi có những biến động lớn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh; Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệnh hoặc có nhiều sai sót; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản bảo đảm….”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hoặc cho ý kiến chỉ đạo đối với các đề án: Cơ chế tiền lương của các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành công cụ nợ của Chính phủ; Nghị định thay thế Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược; Thành lập Tổng công ty lưu ký bù trừ chứng khoán Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng chính sách xã hội và cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; Quyết định về cho vay đối với cho vay học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng bởi của dịch bệnh COVID-19…

Cùng với đó là hoàn thiện dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022; Trên cơ sở Chiến lược tài chính 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho giai đoạn sau năm 2021…

Theo Diễn đàn doanh nghiệp