Thị trường bất động sản đang khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là phân khúc có nhu cầu thực, việc này đến từ nhiều nguyên nhân.

Theo Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II/2022, số lượng nhà ở thương mại hoàn thành là 24 dự án với 5.608 căn, số lượng dự án bằng khoảng 109% so với quý I/2022 và bằng khoảng 70,6 % so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tại miền Bắc có 13 dự án với 2.343 căn, tại miền Trung có 03 dự án với 961 căn, tại miền Nam có 08 dự án với 2.304 căn.

Số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 29 dự án với 6.753 căn, số lượng dự án bằng khoảng 74,4% so với quý I/2022 và bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tại miền Bắc có 17 dự án với 3.763 căn, tại miền Trung có 09 dự án với 678 căn, tại miền Nam có 03 dự án với 2.312 căn.

Qua số liệu cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.

Về tồn kho bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, khả năng hấp thụ của thị trường quý II khá tốt. Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao. Các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho.

“Các dự án được mở bán hầu hết đều có tính thanh khoản tốt, chủ đầu tư hầu như không có lượng sản phẩm tồn, không có giao dịch. Hiện nay, lượng tồn kho bất động sản hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp”, Bộ Xây dựng nêu.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nguồn cung các dự án khá thấp. Nguy cơ mà thị trường phải đối mặt là tình trạng bong bóng, sốt giá. Khi giá tăng thì các chủ đầu tư giữ hàng, thêm vào đó, các nhà đầu cơ lại ráo riết tung tiền mua bất động sản số lượng lớn, chính điều này có thể tạo ra sốt giá.

“Cách tốt nhất là chúng ta phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Mặc dù năm 2020 đã có những điều chỉnh đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Nếu năm nay tăng phê duyệt dự án, tăng cung bất động sản lên nhiều hơn thì mới giải quyết được vấn đề của thị trường. Cần nhanh tay, mạnh tay có những giải pháp để thúc đẩy nguồn cung, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn”, ông Đặng Hùng Võ nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản xảy ra tình trạng nguồn cung khan hiếm, do đó tràn lan tình trạng lách luật gom sổ chia lô, phá rừng san đồi để tách thửa để bán kiếm lời cùng các sai phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu. Việc kiểm soát tín dụng là điều bắt buộc phải làm.

“Tuy nhiên, sẽ không làm giá bất động sản đi xuống, có chăng thanh khoản sẽ giảm và giá đi ngang. Nguyên nhân bởi đối với những nhà đầu tư dài hạn, nhóm có dự trù tài chính tốt, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Về phía doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp lớn dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án. Thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô phát triển dự án. Những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay”, ông Nguyễn Văn Đính đánh giá.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Kiểm soát dòng vốn vào bất động sản quá đà sẽ khiến cho bản thân các doanh nghiệp không có nguồn vốn, nguồn lực để sản xuất hàng hóa ra thị trường. Khi hàng hóa ít đi rõ ràng sẽ tăng giá bởi cầu có mà cung không.

Thứ hai, đối với những doanh nghiệp làm dự án dở dang hay gần xong mà giờ dòng tiền bị ngưng cho vay thì họ phải dừng lại các dự án dở dang chứ chưa nói đến triển khai thêm dự án mới. Hoặc thậm chí, những doanh nghiệp đang bán hàng trên thị trường cũng cần tiền để thực hiện việc quảng bá mở bán. Giờ dừng lại đột ngột họ không bán được hàng, nợ vay ngân hàng trở thành nợ xấu”.

Ông Thịnh cho biết thêm, trước động thái kiểm soát dòng vốn vào bất động sản, người mua nhà thực rất khó thực hiện giấc mơ an cư khi mà gặp khó trong việc vay vốn. Việc kiểm soát cần xem xét chấn chỉnh dòng vốn vào bất động sản thế nào cho thấu đáo, cần cấm – mở lĩnh vực nào, phân khúc nào, đổ vốn vào đâu, cho vay ra sao chứ không nên siết một cách ồ ạt.

Thanh Phong