Sau nhiều bất ổn trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, Tổng thống Biden đã gửi lời cảnh báo đến Nga khi chỉ ra những chuẩn mực cũ về hạt nhân đang bị xói mòn.

Hình ảnh tượng đài ở Moscow về một quả bom hạt nhân chiến thuật thời đầu Liên Xô.

Manh nha kỷ nguyên hạt nhân mới

Những tuyên bố của Nga về sức mạnh hạt nhân của họ chính là minh chứng mới nhất cho mối đe dọa tiềm tàng đã xuất hiện trở lại một cách công khai và nguy hiểm như nào. Điều đó đủ để Tổng thống Biden đưa ra một lời cảnh báo rõ ràng đối với Moscow, ngầm thừa nhận rằng thế giới đã bước vào thời kỳ nguy cơ hạt nhân gia tăng.

“Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu của việc Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, mặc dù việc Nga thỉnh thoảng tác động đến dư luận về vũ khí hạt nhân là điều rất nguy hiểm và cực kỳ thiếu trách nhiệm”, ông Biden cho biết và nhấn mạnh: “Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong cuộc xung đột này ở bất kỳ quy mô nào đều hoàn toàn không được chấp nhận và sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.”

Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ và Nga đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và chỉ duy trì Hiệp ước New START giới hạn 2 bên với 1.550 vũ khí chiến lược. Và khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, các cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow về vấn đề này đã chấm dứt một cách đột ngột.

Trong khi đó, hàng trăm hầm chứa tên lửa mới bắt đầu xuất hiện trên sa mạc Trung Quốc. Lầu Năm Góc tuyên bố rằng Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng một kho vũ khí gồm ít nhất 1.000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030.

Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã nhấn mạnh các bài phát biểu của mình bằng các video tuyên truyền về hạt nhân. (Ảnh Maxim Shemetov/Reuters)

Theo các chuyên gia, kỷ nguyên hạt nhân thứ hai đang diễn ra rất nhanh và đầy rẫy những nguy hiểm, khó có thể dự đoán so với thời Chiến tranh lạnh. Ông Andrew F. Krepinevich Jr., một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, gần đây đã lập luận trên tờ Foreign Affairs rằng kỷ nguyên hạt nhân mới mới đang manh nha xuất hiện, sẽ gây ra “nguy cơ lớn hơn về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và các quốc gia sẽ tăng cường sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột.”

Cuộc chạy đua sẽ nóng hơn

Trong chiến sự Nga- Ukraine, Tổng thống Nga đã từng tuyên bố đến Washington rằng ông đang đẩy khả năng hạt nhân của mình lên mức báo động cao. Đó chính là minh chứng mới nhất cho thấy những chiến lược của ông Putin nhằm nhắc nhở thế giới rằng ngay cả khi nền kinh tế của Nga tương đương của Ý, không nổi trội bằng Trung Quốc, thì kho vũ khí hạt nhân của nước này vẫn lớn nhất.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Putin thường xuyên nhắc đến trong bài phát biểu của mình với các video tuyên truyền về hạt nhân. Ngoài ra, một chương trình tin tức nổi tiếng vào Chủ nhật ở Nga gần đây đã đưa ra một hình ảnh động tái hiện quả ngư lôi khổng lồ, tuyên bố vũ khí này có thể phát nổ với lực lên tới 100 megaton – mạnh gấp 6.000 lần quả bom nguyên tử của Mỹ đã phá hủy Hiroshima – và biến Anh trở thành “một sa mạc phóng xạ”.

Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đến thăm Căn cứ Không quân Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc vào tháng trước (Doug Mills/The New York Times)

Trước động thái trên của Nga, một loạt các cuộc họp khẩn cấp trong chính quyền ông Biden đã được tổ chức để chuẩn bị phản ứng nếu Nga tiến hành một vụ nổ hạt nhân ở Ukraine hoặc xung quanh Biển Đen. Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine là khá thấp. Mỹ đang xem xét hàm ý của Nga trong bất kỳ tuyên bố nào rằng họ đang tiến hành một vụ thử hạt nhân hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân để chứng minh khả năng của mình.

Theo ông Biden và những những cố vấn của ông, các phản ứng phi hạt nhân của Mỹ rất có thể là sự kết hợp các biện pháp trừng phạt, ngoại giao, và thậm chí là quân sự nếu cần thiết.

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh thỏa mãn với việc họ có nhiều vũ khí hạt nhân, đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không bị tấn công và sẽ duy trì khả năng “tấn công” trong trường hợp vũ khí hạt nhân được sử dụng để tấn công.

Nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc ở rìa sa mạc Gobi vào năm ngoái, nó đã gây ra một cuộc tranh luận trong Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo của Mỹ về những gì mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định, đặc biệt khi nước này vẫn nung nấu kế hoạch thống nhất Đài Loan.

Đáng chú ý, theo Hiệp ước Budapest được Ukraine, Anh, Nga và Mỹ ký năm 1994, thì Ukraine, Belarus và Kazakhstan nhất trí gỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chỉ cho phép Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo đó, Anh, Nga và Mỹ thực hiện một số cam kết liên quan đến Ukraine, bao gồm cả “độc lập và chủ quyền” và “biên giới hiện có”. Tuy nhiên, chiến sự Nga- Ukraine bùng nổ, khiến Hiệp ước này bị phá vỡ, làm cho nhiều quốc gia lo ngại, tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, tạo ra cuộc đua loại vũ khí này.

Ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, cho biết: “Qua chiến sự Nga- Ukraine, nhiều quốc gia đều đang tìm kiếm một “chiếc ô hạt nhân”. Khi họ không thể có được điều này, thì sẽ nghĩ đến việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Điều này sẽ kích hoạt cuộc đua hạt nhân trong kỷ nguyên mới.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp