Dự thảo Quy hoạch điện VIII sửa đổi đã có nhiều điểm tiến bộ. Đặc biệt, theo dự thảo đến năm 2030 sẽ không còn phát triển điện than.
Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Quy hoạch Điện VIII. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch trong tháng 5/2022.

Phiên bản tháng 4/2022 có thêm 2 kịch bản mới, trong đó có kịch bản chuyển đổi năng lượng để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải. Đây là kịch bản mang tính đột phá, đã tính toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng được. Thêm kịch bản nữa là tính toán khả năng nếu nguồn điện thiếu, chậm thì điều hành như thế nào. Theo nhiều ý kiến đây là điều chỉnh mới và tốt, phù hợp với quan điểm Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, trong quá trình thực hiện quy hoạch sẽ cập nhật, tính toán, điều chỉnh dựa trên cơ sở phát triển kinh tế – xã hội thực tế ở mỗi giai đoạn. Một điểm mới của Quy hoạch điện VIII là đã khắc phục là cơ cấu nguồn điện, giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo.

Trước những vấn đề trên, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (AWATEN), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam.

– Thưa ông, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Quy hoạch Điện VIII. Ông có bình luận gì về dự thảo lần này?

Bản Dự thảo quy hoạch điện VIII hiện tại gửi để lấy ý kiến địa phương có tiến bộ hơn hẳn so với những văn bản trước. Đặc biệt, trong đó có phần về quy hoạch phát triển điện than giảm đi nhiều. Theo đó, đến năm 2030 sẽ không còn phát triển điện than nữa. Vì thế, nguồn điện than giảm đáng kể trong khi các nguồn điện khác tăng lên. Thứ 2 là các dự báo, dự trù về cung – cầu điện giảm đáng kể, đến năm 2045 chỉ với 35000MW.

Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam.

Quy hoạch điện VIII có một tham chiểu rất quan trọng, để phấn đấu đạt được chỉ tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điều này phải song song với nhiều biện pháp. Trong đó, có biện pháp giảm phát khí thải của ngành năng lượng. Hiện nay riêng ngành năng lượng đang thải ra khí thải nhà kính chiếm 65% của tổng các nguồn thải khác. Để hướng Net Zero thì chỉ riêng ngành năng lượng tái tạo (NLTT) thì không đủ, mà đòi hỏi sự tham gia của tất cả các ngành kinh tế. Đó là một khẳng định, hướng đến phát triển xanh thì ngoài câu chuyện giảm phát thải nhà kính, chúng ta áp dụng các loại NLTT, nguồn năng lượng thân thiện môi trường.

So với các phương án đã trình trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen. Rõ ràng phát triển năng lượng xanh được xem là định hướng dài hạn của Chính phủ.

Trong chiến lược phát triển xanh cũng đã đề cập rất nhiều lĩnh vưc cần phải làm. Nhưng theo tôi, chiến lược xanh cũng cần phải điều chỉnh vì nó ra đời trước khi Thủ tướng tuyên bố Net Zero theo hội nghị COP26. Nhưng về cơ bản, khung sườn để phát triển xanh gồm: năng lượng phải giảm phát thải nhà kính, kinh tế tuần hoàn, đổi mới công nghệ giảm tiêu hao năng lượng, hay ngành khác. Ví như ngành giao thông thay đổi dần phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, xăng hoặc nhiên liệu hoá thạch chuyển sang dùng điện, gas… Thậm chí, có những nơi dùng điện gió hoặc điện mặt trời tại nơi nạp ắc-quy. Đó là những phương án xoay quay việc đổi mới công nghệ để đạt tới chiến lược phát triển xanh và phát thải ròng bằng không đến năm 2050.

Thực ra, địa phương nào cũng nêu ra các đề xuất của mình, và tổng mức đề xuất hiện nay vượt quá rất nhiều so với quy hoạch. Tôi thấy nó là một tín hiệu tốt. Bởi như vậy khẳng định Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú từ điện gió, điện mặt trời… Tuy nhiên, việc phát điện lên lưới hiện nay không ổn định. Do đó, nếu đạt được công nghệ tốt, làm ổn định dòng điện, có thể phát lên lưới ổn định, với nhiều cách tích trữ bằng khí gas hoặc phương pháp nhiệt học, khí lỏng giữ phát điện theo ý mình hoặc sản xuất hydrogen thì lúc đó toàn bộ năng lượng của quốc gia có thể đáp ứng được bằng năng lượng tái tạo, điện lúc đó sẽ cực kỳ sạch. Đó là đang xét về mặt ý tưởng, không phải là lạc quan tếu hoặc hão huyền vì công nghệ một ngày nào đó chúng ta có thể đạt được. Nhưng thời đại 4.0 thì chúng ta sẽ phải nghiên cứu được công nghệ và sẽ phát triển trong 5 – 10 năm với công nghệ mới.

Bây giờ, Hydrogen không phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam về giá, chi phí. Nhưng vài năm nữa có thể thay đổi và sẽ tiết kiệm chi tiết sản xuất. Như khi chúng ta bắt tay vào làm điện mặt trời thì chi phí mất, lúc đến khoảng 1 triệu, 1,2 triệu MW, bây giờ khoảng 500.000/MW. Với hydrogen cũng giảm như thế thì hoàn toàn phù hợp với nền kinh tế mà không cần sử dụng nguồn điện khác như điện than.

Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm đó, chúng ta cũng phải loại trừ các nguồn điện đang dùng. Bởi chúng ta muốn sạch nhưng không phải sạch ngay lập tức mà cần có lộ trình.

Lễ khởi công Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang.

– Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng lưu ý là Quy hoạch điện VIII khó đáp ứng hết yêu cầu xin bổ sung của địa phương. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Các địa phương đăng ký nhiều là tốt. Tuy nhiên, Bộ Công thương, cơ quan tham mưu của Chính phủ, phải cân đối giữa các nguồn điện, giữa nhu cầu phụ tải, giữa các hướng phát triển cũng như các chi phí đầu tư, năng lực thực tế. Bây giờ, năng lực tiếp nhận của EVN trên lưới 500kv không đáp ứng mà chúng ta cứ tập trung phát điện ở miền Trung như trong Quy hoạch điện 7 đã làm thì không thể truyền tải ra 2 đầu Nam – Bắc được. Trong khi đó, mức tiêu thụ điện của 2 đầu Nam Bắc là chính chiếm tới 90%.

Vậy nên, Bộ Công Thương cần đưa ra giải pháp thật hài hoà; tham mưu chính phủ là cố gắng sử dụng điện một cách hiệu quả. Hiệu quả không có nghĩa là chỗ nào nhiều năng gió thì làm, vì khi truyền lên lưới cộng thêm các chi phí chưa chắc đã hiệu quả. Nhưng ở các vùng như phía Bắc hiện nay có rất nhiều phụ tải mà chúng ta thu được điện tại chỗ thì chúng ta cũng cần phải nghiên cứu, cần xem xét giá như thế nào để thu hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Hoặc việc áp dụng lưới điện thông minh chúng ta chưa áp dụng nên việc tiếp nhận các nguồn điện không ổn định như điện gió, điện mặt trời đang gây khó khăn. Nếu áp dụng lưới điện thông minh thì tự nó đã điều chỉnh một phần và sẽ nâng cao năng lực tiếp nhận lên nhiều chứ không phải như bây giờ phải cắt giảm năng lượng tái tạo.
Nhân viên làm việc tại nhà máy năng lượng tái tạo.

Nếu nhìn trong quy hoạch hiện nay, từ nay đến 2025 chúng ta chỉ tăng thêm có 2000MW cho điện gió; từ năm 2025-2030 tăng thêm 3.000 MW, vậy tổng chỉ được thêm 5.000MW cho điện gió thì hoàn toàn không xứng với tiềm năng.

Hiện nay, các tỉnh thành đã đăng ký đến 520.000MW. Việc các địa phương đăng ký nhiều để ngành Công thương đánh giá và dễ lựa chọn. Trước đó, chúng ta sợ ít nơi đăng ký thì khó lựa chọn, vì không biết bố trí đi đâu. Tuy nhiên, giờ là nhiều địa phương đăng ký nên Bộ Công thương cũng cần phải nghiên cứu.

Toàn bộ hệ thống điện là do ngành điện của toàn quốc gia, Bộ Công thương sẽ thay mặt Chính phủ quản lý toàn quốc cho hiệu quả trên phạm vi cả nước chứ không riêng một vùng miền. Chúng ta không phát triển kiểu manh mún, nó đi ngoài chiến lược phát triển quốc gia, không đúng với tầm nhìn dài hạn, nó là Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã nêu.

Ngành điện phải hoạt động cho hiệu quả, còn ở đâu vùng miền nào phát triển đến đấy thi Bộ Công Thương phải có những chứng minh, trình bày trước Chính phủ. Cũng có thể trả lời chất vấn trước quốc hội xem bố trí như vậy hợp lý hoặc hiệu quả hay không.

– Chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang là xu thế chung của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Theo ông, để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam cần phải làm gì và đâu là cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp?

Hiện nay, chuyển dịch năng lượng là xu thế toàn cầu và mục đích sự chuyển dịch là đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng an ninh năng lượng chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những vấn đề sau: Thứ nhất là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia thay vì sự lệ thuộc vào nhập khẩu.

Thứ hai, là phải sử dụng hiệu quả, phải căn cứ vào hiệu suất, hiệu quả, tổng mức đầu tư để sử dụng hiệu quả chứ không phải chi phí rẻ. Vì có những thứ tưởng rẻ nhưng nếu tính tổng các chi phí khác chưa chắc đã rẻ ví dụ như ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, công tác bảo trì bảo dưỡng phức tạp trong vận hành hay thiết bị phải nhập nguyên vật liệu… thì đó là vấn đề không đảm bảo được an ninh.

Thứ ba, chúng ta phải dần hướng tới nội địa hoá, tăng tỷ lệ nội địa hoá lên để chủ động đáp ứng nguồn cung trong nước. Nếu trong quá trình dịch chuyển, không chỉ đơn thuần là loại bỏ than rồi đưa nguồn khác vào thì sẽ sạch hơn, đảm bảo hiệu quả hơn vì cứ làm nhiên liệu khác mà nhập khẩu là đã bao gồm rủi ro rồi. Hoặc là trong khả năng của mình, phạm vi đất nước mình có thể nhưng không phát triển ngành đó mà cho rằng nhập khẩu rẻ hơn thì không đảm bảo an ninh năng lượng. Chúng ta buộc phải tính toán hiệu quả đến việc hiện nay năng lượng tái tạo chi phí đắt đỏ, nhưng có đổi mới công nghệ, nội địa hoá sẽ giảm chi phí đầu tư xuống thì lúc đó sẽ có hiệu quả.

Như vậy phải có lộ trình, không phải chúng ta làm quy hoạch dài hạn ít nhất trong 10 năm, rồi lấy mặt bằng giá của 1 năm rồi so với điện nhập khẩu và chúng ta cứ nhập khẩu thay vì phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Vậy bài toán vài năm tới phát triển năng lượng tái tạo nhập khẩu điện ngoài trên lưới tăng lên thì chúng ta không thể xoay kịp. Điều này thực sự nguy hiểm cho việc phát triển an ninh năng lượng. Đó là bài toán phải tính ra quy hoạch tổng thể và rất nhiều vấn đề giống như Bộ Công Thương và ngành điện nói riêng là phải đặt ra nhiều giả thiết để đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp