Hiệp hội BĐS TP HCM cho biết có khoảng 100.000 căn hộ du lịch chưa được cấp “sổ hồng” vì còn vướng pháp luật về xây dựng, kinh doanh bất động sản và du lịch.

Các vướng mắc tại Luật Xây dựng, Nhà ở khiến căn hộ du lịch vẫn chưa thể được “định danh”

Trong văn bản góp ý kiến khoản 6 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, bổ sung Điều 32a Nghị định 43/2014/NĐ-CP gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, các quy định pháp luật về đất đai trên đây đã cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cấp tỉnh) cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu “công trình xây dựng không phải là nhà ở”.

Tuy nhiên, trong 8 năm qua, các địa phương vẫn chưa “cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở” theo quy định cho các “công trình xây dựng không phải là nhà ở”.

Nguyên nhân hoàn toàn không phải do quy định của Luật Đất đai gây ra, mà nguyên nhân chủ yếu là do Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản chưa quy định cụ thể, để thực hiện quy định việc cấp Giấy chứng nhận “phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật” mà ở đây là phải theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, Luật Du lịch cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do công tác thực thi pháp luật của các địa phương.

HoREA chỉ ra hiện pháp luật về xây dựng chưa có “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà cao tầng không sử dụng vào mục đích ở, mà sử dụng vào các mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại…”.

Mặt khác tại Luật Du lịch quy định pháp luật theo cách “liệt kê” nên phát sinh “bất cập” do chưa bao quát các loại “cơ sở lưu trú du lịch” là “công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch” như “nhà phố du lịch”, “farmstay”…

Không những vậy, mặc dù vướng mắc về việc giao kết Hợp đồng và cấp Giấy chứng nhận cho người mua các sản phẩm bất động sản này đã được “tháo gỡ” trong Nghị định 02/2022, có hiệu lực từ ngày 01/03/2022.

Nhưng do Phụ lục “Hợp đồng mua bán/thuê mua căn hộ du lịch/căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú” (Mẫu số 02) có quy định phải ghi nhận “đặc điểm về đất xây dựng Toà nhà có căn hộ du lịch/căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú nêu tại khoản 1 Điều này”, mà nội dung này cũng được ghi nhận trong “Giấy chứng nhận” và thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đất đai, nên “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chỉ tiết thi hành Luật Đất đai” bổ sung Điều 32a Nghị định 43/2014/NĐ-CP là rất cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông của các quy định pháp luật.

Loạt dự án vẫn nằm chờ luật

Trong khi đó, tại Luật Nhà ở đây là lần đầu tiên “căn hộ lưu trú (condotel)” và “văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)” được quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BXD hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, nhưng 95% căn hộ nằm trong toà nhà độc lập trong các khu du lịch nghỉ dưỡng. Tương tự, có khoảng 95% “văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)” nằm trong các toà nhà độc lập trong đô thị, nên Thông tư 03/2021/TT-BXD chỉ điều chỉnh một số lượng nhỏ các đối tượng này.

HoREA kiến nghị sửa đổi khoản 6 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” bổ sung “Điều 32a” Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: “Điều 32a. Cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ – khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ.

“Cần xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Du lịch 2017 thì xem xét bổ sung các quy định pháp luật để điều chỉnh đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành đối với loại hình “công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch” – Chủ tịch HoREA kiến nghị.