Trong dài hạn, tác động chính sách sẽ dần đưa thị trường vốn đi vào khuôn khổ, sự hồi phục kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp là nền tảng cơ bản cho chứng khoán “thuận gió”.

Sau cơn hồ hởi khi “gần về bờ” vào cuối tuần trước, nhiều nhà đầu tư thất vọng khi thị trường quay đầu giảm điểm (ảnh minh họa)

Chứng khoán tiếp tục dò đáy

Sau phiên tăng điểm đưa các chỉ số chứng khoán chốt xanh cuối tuần trước, thị trường phiên giao dịch đầu tiên sau lễ diễn biến không mấy tích cực.

Áp lực bán mạnh trên toàn thị trường khiến chỉ số không chỉ đánh mất 15 điểm cộng vừa có thêm của phiên cuối tuần trước nghỉ lễ, còn hụt sâu hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần 4/5, VN-Index giảm 18,12 điểm (-1,33%) xuống 1.348,68 điểm. HNX-Index giảm 1,33% xuống 360,97 điểm. UPCoM-Index giảm 0,28% xuống 104,02 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức thấp với giá trị đạt khoảng 17.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối ngoại sau 3 tuần đầu tháng 4 mua ròng, đã có tín hiệu bán từ tuần cuối của tháng, duy trì trạng thái mua ròng khoảng 4.000 tỷ đồng trong suốt tháng 4, đã chuyển sang tích cực bán ròng ngay phiên đầu tuần với khoảng 8 triệu đơn vị, trị giá hơn 300 tỷ đồng.

Nhà đầu tư tiếp tục chịu áp lực bán tháo trong đà trượt dốc tìm đáy của chỉ số. Nhà đầu tư ngoại cũng được cho là chịu tác động của kỳ họp vừa mở cửa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với kế hoạch nâng lãi suất mà giới chuyên môn dự đoán, ở mức cao tới 50 điểm cơ bản – mức mà FED sử dụng gần nhất cách đây là vào năm…2000.

Bốn yếu tố tạo “cơn gió ngược”

Nhưng những yếu tố khiến thị trường chứng khoán hứng cơn gió ngược, sâu xa vẫn tựu trung quanh các trụ tác động mà trước đó, ông David Spika, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của công ty quản lý đầu tư GuideStone Capital Management đã phân tích: Đó trước tiên là căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Một đợt căng thẳng mà đến lúc này, đã có thể xem có nguy cơ mở rộng tác động tiêu cực tới nhiều quốc gia, đặc biệt khi EU đang họp bàn về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga.

COVID-19 và chiến sự Nga-Ukraina tác động đến cả thế giới lẫn Việt Nam (nguồn: VEPR)

Thứ hai là vấn đề lạm phát tăng cao và điều này như biết, đang là vấn đề của nhiều nền kinh tế trong đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay để ứng phó tình trạng này không còn là câu chuyện khả năng hay dự đoán, mà đang dần là hiện thực.

Thứ ba là dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, với sự gia tăng đột biến các ca mắc gần đây tại Trung Quốc. Quốc gia gần 1,6 tỷ dân đã có những đợt phong tỏa cứng các trung tâm kinh tế khổng lồ như Thượng Hải, gây ra nỗi lo ngại lớn về việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại cốt lõi.

Trong khi đó, ở thị trường Việt Nam, cũng phải nói thêm rằng trận gió ngược khiến vốn hóa toàn thị trường chứng khoán bốc hơi hàng chục tỷ USD chỉ trong vòng một thời gian ngắn vừa qua, còn đến từ các vụ vi phạm pháp luật lần lượt bị phơi ra ánh sáng. Nhưng động thái quyết liệt của cơ quan quản lý, về dài hạn, hứa hẹn một thị trường công khai, minh bạch, nền tảng cho cơ hội nâng hạng và lớn mạnh thực sự của chứng khoán Việt Nam nhưng trong ngắn hạn, thì thị trường non trẻ dù đã… 22 tuổi vẫn khó tránh tác động.

Bao giờ có luồng gió thuận?

Với chính sách tiền tệ không còn nới lỏng và có thể bị siết chảy vào khu vực rủi ro bao gồm bất động sản, đầu tư trái phiếu, chứng khoán (mà chính sách này từng là động lực tạo đà tăng giá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán – là cơn gió thuận chiều của thời gian trước đây), đây cũng được xem là yếu tố đẩy thị trường ngược hướng gió.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn còn “cửa sáng” (nguồn: VEPR)

Trong báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), các chuyên gia chỉ ra nhiều nguy cơ với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, trong đó đáng chú ý là nguy cơ lạm phát tăng cao và sự gia tăng giá của các loại tài sản cho thấy dòng tiền chưa thực sự đi vào sản xuất.

Trước đó, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR khẳng định, tăng trưởng cung tiền của Việt Nam trong những năm qua luôn ở mức cao so với mức tăng trưởng thật của nền kinh tế.” Tăng trường GDP chỉ khoảng 7% trước đại địch COVID-19 và trong đại dịch là 3% nhưng tăng trưởng cung tiền toàn ở mức 14% đến 15%. Đó là con số rất cao về dài hạn sẽ gây ra lạm phát”, ông nói. Để ứng phó với điều này, ông cho rằng chính sách tiền tệ cần rất thận trọng và Việt Nam phải hướng về giải pháp hạ lãi suất cho vay chứ không phải hạ lãi suất huy động. Bởi vì việc hạ lãi suất huy động sẽ lại hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư khác, các kênh đầu cơ tài sản.

Theo phân tích của các chuyên gia VEPR, lực đẩy cho kinh tế Việt Nam năm 2022 đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất. Trong đó, động lực tăng trưởng còn đến từ xuất khẩu và FDI.

Ngoại trừ những yếu tố khách quan như chiến sự Nga – Ukraine, dịch COVID-19 và các ứng phó quốc tế; việc thực hành khuyến nghị “hạn chế nhập khẩu lạm phát”, cùng với đó, các tác động chính sách mà giới đầu tư kỳ vọng sẽ dần đưa thị trường vốn đi vào khuôn khổ, cơ sở để nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đặt kỳ vọng chính là sự hồi phục kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Qua đó, sẽ dần góp luồng gió mới tạo nên xu hướng hồi phục giá cổ phiếu.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp