Việc cải cách tính minh bạch của hệ thống tài chính được coi là trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của nước này.

Đối với những người muốn che giấu sự giàu có của mình, Mỹ chính là “thiên đường”. Mạng lưới Tư pháp Thuế đã xếp hạng các quốc gia theo mức độ cá nhân và tổ chức che giấu quyền sở hữu tài sản của họ nhờ hệ thống tài chính và pháp luật.

Chỉ số Bí mật Tài chính đã xếp hạng hệ thống tài chính và pháp luật của mỗi quốc gia trên thang điểm 100, trong đó 0 là hoàn toàn minh bạch và điểm 100 là hoàn toàn bí mật. Điểm này sau đó sẽ kết hợp với khối lượng dịch vụ tài chính mà những người không cư trú được phục vụ, từ đó xác định mức độ bí mật tài chính mà quốc gia đó cung cấp cho thế giới. Theo nghiên cứu này, số lượng người trên thế giới được Mỹ giữ bí mật về tài chính đã tăng gần một phần ba kể từ năm 2020.

Ian Gary, giám đốc điều hành tại Liên minh Trách nhiệm Tài chính và Minh bạch Doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Các bảng xếp hạng này cho thấy những kẻ tham nhũng đang vũ khí hóa hệ thống tài chính của chúng ta để chống lại nền dân chủ. Mỹ phải trao đổi thông tin với các quốc gia khác nhiều hơn nữa”.

Mạng lưới Tư pháp Thuế cho biết xếp hạng của Mỹ ngày càng xấu đi là do họ từ chối trao đổi thông tin với cơ quan thuế của các quốc gia khác. Báo cáo cho biết nếu Mỹ thay đổi và làm theo cách các nền kinh tế lớn khác đang làm, họ có thể cắt giảm 40% nguồn cung cấp bí mật tài chính cho thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi cải cách minh bạch là trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của mình, cam kết sẽ giải quyết vấn đề trốn thuế và rửa tiền. Vào tháng 12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ có thể là “nơi tốt nhất để che giấu và rửa tiền thu lợi bất chính”, ông đã nêu bật tính cấp thiết của việc chống tham nhũng.
Năm trong số các quốc gia G-7 – Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức và Ý – sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm chậm tiến độ của thế giới trong việc chống bí mật tài chính, theo Mạng lưới Tư pháp Thuế. Trong đó, Đức, nước sẽ chủ trì cuộc họp G-7 giữa các bộ trưởng tài chính vào ngày 18/5, đứng vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng do thực hiện các luật minh bạch mới chưa hiệu quả.

Moran Harari, trưởng nhóm nghiên cứu tại Mạng lưới Tư pháp Thuế, cho biết: “Một nhóm gồm các quốc gia giàu có đặt ra các quy tắc toàn cầu về tài chính và thuế phải là những người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tạo điều kiện cho việc giữ bí mật tài chính và lạm dụng thuế. Trong nhiều thập kỷ, các nước G-7 giàu có đã thu hút các tỷ phú, nhà tài phiệt và các tập đoàn khổng lồ bằng những kẽ hở bí mật và các quy định “mắt nhắm mắt mở””.

Theo báo cáo, tình huống tại Vương quốc Anh còn tồi tệ hơn. Tính riêng các lãnh thổ hải ngoại và quốc gia phụ thuộc như Quần đảo Virgin thuộc Anh và Jersey, những nơi này nắm giữ 8,9% trong tổng số bí mật tài chính trên thế giới. Con số đó sẽ tăng lên hơn một phần mười nếu bao gồm cả Vương quốc Anh, gần gấp đôi so với của Mỹ.

Mạng lưới ước tính có khoảng 10 nghìn tỷ USD đang được giữ ở nước ngoài. Số tiền này gấp hơn 2,5 lần giá trị của tất cả các tờ USD và euro hiện đang lưu hành trên thế giới.

Thụy Sĩ, quốc gia nằm ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng, cung cấp mức độ bí mật tài chính chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Trong khi đó, quần đảo Cayman, nơi trước đây giữ vị trí hàng đầu trong chỉ số, đã giảm xuống thứ 14 sau khi dữ liệu cho thấy quy mô dịch vụ tài chính mà họ cung cấp cho người không cư trú thấp hơn dự kiến.

theo nhipsongkinhte