(ĐTCK) Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán quý IV/2022, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, do đó, đây là giai đoạn nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”.

Đến cuối năm, KBSV đã giảm mức P/E mục tiêu xuống 13 lần, phản ánh các lo ngại gia tăng về các yếu tố ngoại biên, kết hợp với diễn biến tăng của mặt bằng lãi suất trong nước. Tương ứng với đó, chỉ số VN-Index được dự báo đạt mức 1.330 điểm vào thời điểm cuối năm.

Các yếu tố gây ảnh hưởng đến dự báo bao gồm: sự đổ vỡ ở thị trường trái phiếu bất động sản trong nước, lạm phát hoặc tỷ giá diễn biến căng thẳng trở lại, lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng mạnh, Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, các nền kinh tế lớn bước vào suy thoái và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm nhanh.

Tăng trưởng EPS bình quân doanh nghiệp đạt 18,3%

Trong nửa cuối năm 2022, KBSV cho rằng đây là giai đoạn khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình vĩ mô thế giới có nhiều bất ổn trước lo ngại suy thoái kinh tế khi căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Liên quan đến giá hàng hóa và lương thực, dù đã giảm đáng kể so với mức đỉnh, tuy nhiên đây vẫn là yếu tố khó đoán định. Theo đó, nhiều khả năng lợi nhuận một số ngành có sự tăng trưởng mạnh thời gian trước như thép, thủy sản, gỗ, dệt may đã tạo đỉnh trung hạn và suy giảm trong nửa cuối 2022, trong khi nhóm bất động sản tiếp tục gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, dù giảm so với đầu năm nhưng kết quả kinh doanh nhiều nhóm ngành vẫn có khả năng tăng trưởng so với cùng kỳ do mức nền thấp của quý III/2021 trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Ở chiều hướng tích cực, nhóm tiện ích, chăn nuôi, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin được đánh giá sẽ có kết quả kinh doanh cải thiện.

KBSV đánh giá các yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết trong nửa cuối năm 2022 đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công, các gói hỗ trợ tiếp tục được triển khai, cũng như sự phục hồi của các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ trong nước

Từ đó, KBSV dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX đạt 18,3% so với cùng kỳ trong năm 2022. Trong đó, nhóm ngành có sự tăng trưởng cao nhất là nhóm tiện ích (63,6%) nhờ tình hình thời thiết thuận lợi và nhu cầu gia tăng; nhóm công nghiệp (37,9%) do hoạt động sản xuất hồi phục sau dịch cùng mức nền thấp năm 2021; nhóm công nghệ thông tin (21,8%) giữ vững đà tăng trưởng hai chữ số.

“Lưu ý rằng, nhóm bất động sản được dự báo tăng trưởng chủ yếu đến từ lợi nhuận hồi phục so với mức nền thấp của VIC – cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong VN-Index”, báo cáo nhấn mạnh

Bên cạnh đó, nhóm năng lượng giảm chủ yếu do EPS giảm của PLX bởi trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Ngoài ra, việc giảm lợi nhuận của MSN do năm 2021 Masan đã thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus ảnh hưởng đến tăng trưởng EPS nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu.

10 cổ phiếu “top picks” quý IV

Từ góc độ triển vọng ngành, trong quý IV/2022, bộ phận phân tích doanh nghiệp của KBSV đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành khu công nghiệp, điện, dầu khí, công nghệ thông tin, cảng biển, bán lẻ, thủy sản. Dựa trên các quan điểm trên, danh mục mẫu quý IV của KBSV gồm:

FPT – CTCP FPT

FPT tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng tham vọng trong năm 2022 với tăng trưởng của của các thị trường Bắc Á, Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á lần lượt đạt khoảng 20%, 33%, 25% và 25%.

FPT kỳ vọng tăng trưởng CAGR 3 năm không thấp hơn 30%, trong đó năm 2022 lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng trưởng 50% với động lực từ chuyển đổi số. Mảng giáo dục đầu tư duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh trong 2021 về doanh thu (tăng 93,3% so với cùng kỳ năm ngoái) bất chấp tác động của dịch Covid-19.

IDC – Tổng Công ty IDICO

Chủ đầu tư tiên phong và có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đầu tư và phát triển KCN – Tổng diện tích đất cho thuê còn lại của IDC lên tới hơn 750 ha – Các dự án KCN Hựu Thạnh, Phú Mỹ II và Phú Mỹ II MR kỳ vọng đảm bảo tăng trưởng cho IDC trong trung hạn.

MWG – CTCP Đầu tư Thế giới Di động

Quá trình tái cấu trúc của Bách Hóa Xanh cho thấy những tín hiệu tích cực, mô hình mới sẽ được mở rộng trong các năm tới. Kỳ vọng bán vốn Bách Hóa Xanh vào quý I/2023

Triển vọng của Thế giới Di động/ Điện máy xanh sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2022 so với nền thấp cùng kỳ.

PNJ – CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận

Trong năm 2022, KBSV dự phóng kết quả hoạt động kinh doanh của PNJ với doanh thu thuần đạt 27,437 tỷ đồng (tăng 39,8%) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.603 tỷ đồng (tăng 55,2%). Năm 2023, mức doanh thu thuần có thể đạt 31,697 tỷ đồng (tăng 15,5%) và lợi nhuận sau thuế ở mức 2.046 tỷ đồng (tăng 27,5%).

Giai đoạn 2022 – 2025, PNJ dự kiến mở từ 30 – 40 cửa hàng mỗi năm; Ban lãnh đạo cho biết đang đi tìm địa điểm nhằm đầu tư một nhà máy mới (dự kiến khởi công trong 2022) do các nhà máy hiện tại đã hoạt động 100% công suất.

QTP – CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng, QTP sẽ tiếp tục duy trì mức cổ tức 16% bằng tiền mặt cho 2 năm tới và tăng lên 18% từ năm 2024 trở đi nhờ vào dòng tiền kinh doanh mạnh mẽ.

Dự báo cũng chỉ ra rằng kể từ năm 2023, lượng nước về hồ cho các nhà máy thuỷ điện sẽ giảm bớt so với giai đoạn 2021 – 2022. Cùng với tỷ trọng thuỷ điện lớn trong cơ cấu nguồn của miền Bắc, các nhà máy nhiệt điện, trong đó có QTP sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ xu hướng này.

KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2022 của QTP sẽ lần lượt đạt 9,3 29 tỷ đồng (tăng 9%) và 907 tỷ đồng (tăng 57%).

DHA – CTCP Hóa An

Kỳ vọng hưởng lợi nhờ đẩy mạnh đầu tư công là động lực tăng trưởng mạnh từ cuối 2022. DHA là doanh nghiệp sở hữu mỏ đá có vị trí thuận lợi gần các dự án lớn và còn nhiều trữ lượng khai thác. Ngoài ra, doanh nghiệp có mức cổ tức tiền mặt hấp dẫn.

PVT – Tổng CTCP Vận tải Dầu khí

Doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng tốc từ quý III/2022 nhờ vào diễn biến từ xung đột Nga – Ukraine và các lệnh cấm vận lên các sản phẩm dầu của Nga sẽ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển nguồn thay thế để bù đắp sản lượng thiếu hụt, dẫn tới giá cước thuê tàu cao hơn trong nửa cuối 2022 và 2023.

Động lực ngắn hạn từ lợi nhuận thanh lý tàu cũ PVT Athena, cùng kế hoạch mở rộng đội tàu trong tương lai đem lại tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.

GMD – CTCP Gemadept

Nam Đình Vũ kỳ vọng đạt 90% công suất trong năm nay. Sản lượng khối cảng Hải Phòng hiện đã đạt trên 90% tổng công suất. Nam Đình Vũ giai đoạn 2 dự kiến đi vào hoạt động đầu 2023 sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho khối cảng GMD miền Bắc trong trung hạn.

Gemalink dự kiến sẽ đạt hơn 90% công suất trong năm nay. KBSV ước tính GMD năm nay đạt doanh thu thuần 3.689 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 959 tỷ đồng (tăng 33%).

GAS – Tổng Công ty Khí Việt Nam

Đà tăng giá của Brent sẽ tác động tích cực tới FO và LPG dẫn tới giá khí trung bình cao hơn cho GAS. GAS với vị thế là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất trong tương lai sẽ được hưởng lợi từ triển vọng tiêu thụ LNG tích cực.

Năm 2023 là năm có triển vọng tươi sáng hơn cho các doanh nghiệp nhiệt điện khí sau giai đoạn La Nina 2021 – 2022 và chịu áp lực từ các dự án điện năng lượng tái tạo phát triển ồ ạt.

DXG – CTCP Tập đoàn Đất Xanh

DXG sẽ mở bán lại dự án trọng điểm là Gem Riverside trong quý III/2022 với giá bán mới vào khoảng 80 triệu/m2, cao hơn so với mức giá mở bán lần đầu vào năm 2018 là 30 – 32 triệu/m2.

Dự án Gem Premium tại TP. Thủ Đức cũng đang trong quá trình làm lại quy hoạch chi tiết 1/500 và có thể mở bán trong thời gian tới. Đặc biệt là quỹ đất ngày càng được mở rộng với diện tích hiện tại đạt khoảng 4.200ha, trong đó 30 – 40% là quỹ đất sạch sẵn sàng để mở bán.

Theo Tin nhanh chứng khoán