Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định nâng lãi suất ở mức cao lịch sử trong vòng 2 thập kỷ qua và quyết tâm giảm quy mô tài sản ở mức cao kỷ lục nhưng vẫn kỳ vọng không để kinh tế suy thoái.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định nâng lãi suất ở mức cao lịch sử trong vòng 2 thập kỷ qua và quyết tâm giảm quy mô tài sản ở mức cao kỷ lục nhưng vẫn kỳ vọng không để kinh tế suy thoái.

Quyết định lịch sử

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra quyết định lịch sử trong 20 năm qua: nâng lãi suất 50 điểm phần trăm trong một phiên họp. Như vậy, đây là lần thứ 2 liên Fed nâng lãi suất sau một chuỗi 2 năm liên tục hạ lãi suất xuống sát 0% để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đây là đợt lãi suất lớn nhất của Fed kể từ tháng 5/2000 – thời điểm mà Mỹ đang đối mặt với kỷ nguyên bong bóng dotcom và sự đổ vỡ dây chuyền của nhiều doanh nghiệp công nghệ.

Trước đó, trong phiên họp giữa tháng 3, Fed đã tăng lãi suất 25 điểm phần trăm từ mức 0-0,25% lên 0,25-0,5%. Sau cuộc họp 4/5 lần này, mức lãi suất cơ bản hiện tại của Fed là 0,75-1%.

Theo kế hoạch, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới với khả năng ngỏ cho một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng 6. Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ nâng lên 3-3,25% vào cuối năm 2022.

Cùng với động thái nâng lãi suất, Fed cho biết sẽ giảm quy mô tài sản trên bảng cân đối kế toán, hiện đang ở mức cao kỷ lục: 9.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, mức độ cắt giảm quy mô tài sản trên bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra ở mức chậm. Theo kế hoạch, từ đầu tháng 6, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) mỗi tháng. Sau 3 tháng, nhịp độ sẽ nâng lên tương ứng thành 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.

Fed đưa ra quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay trong bối cảnh lạm phát Mỹ lên đỉnh cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua: 8,5% trong tháng 3 và kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý I.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, quan điểm của Ủy ban thị trường mở Fed là có thể tiếp tục nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp kế tiếp”, đồng thời cho biết hiện Fed chưa cân nhắc nâng lãi suất 75 điểm cơ bản.

Cuối 2021, Fed đã có những nhận định sai lầm khi cho rằng, lạm phát chỉ tăng mạnh “tạm thời” và chậm trễ trong việc nâng lãi suất, cũng như giảm bớt tài sản trên bảng cân đối kế toán, nhằm tạo dư địa chính sách cho việc hỗ trợ cho nền kinh tế.

Đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu năm 2020 đã buộc Fed phải hạ lãi suất xuống gần 0%, đồng thời thực hiện chương trình mua trái phiếu để bơm tiền vào nền kinh tế. Bên cạnh khối tài sản cao kỷ lục 9.000 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, Mỹ còn bơm khoảng 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua các gói kích thích.

Kỳ vọng kinh tế không suy thoái

Trong phiên giao dịch 4/5 (đóng cửa rạng sáng 5/5 giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh trở lại.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 932,27 điểm, tương đương 2,81%. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 3% lên trên ngưỡng 4.300 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 3,19%. Đây đều là những mức tăng rất mạnh, cao nhất trong khoảng 2 năm qua.

Đây là tín hiệu cho thấy, thị trường kỳ vọng vào sự quyết liệt của Fed trong việc chống lạm phát nhưng không quá đà để khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Hiện giới đầu tư lo nhất là khả năng kéo hàng nghìn tỷ USD từ thị trường về để giảm quy mô tài sản trên bảng cân đối kế toán của Mỹ mà không gây xáo trộn trên thị trường, nhất là trong bối cảnh đại dịch Coivd-19 và các đợt phong tỏa ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Gần đây, nhiều thị trường có dấu hiệu không phản ứng tích cực đối với các chính sách và tín hiệu chính sách từ Fed.

Sự hồi phục của chứng khoán Mỹ trong phiên đêm qua là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra sau một tháng 4 đầy trắc trở đối, vốn đã kéo Nasdaq vào thị trường giá xuống. Trước đó, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 13% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq và S&P 500 đều ở mức thấp nhất trong năm 2022.

Chủ tịch Fed cho biết, Fed có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế nhưng không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Số lượng việc làm gần đây tăng cao và bảng cân đối kế toán hộ gia đình ổn định. Dù vậy, Fed cũng đang chứng kiến số người Mỹ từ chối đi làm ở mức cao kỷ lục: 4,5 triệu người. Điều này làm chi phí cho doanh nghiệp tăng lên, qua đó ảnh hưởng tiêu cực thêm tới lạm phát.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt. Nhưng thị trường vẫn lo ngại về một cuộc suy thoái vào cuối chu kỳ thắt chặt, có thể xảy ra trong năm sau.

Nước Mỹ vẫn đang đối mặt với những dấu hiệu đáng lo ngại, trong đó có lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên mức rất cao: quanh ngưỡng 3% và vẫn có khả năng đảo ngược đường cong lãi suất, khi lợi tức trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn lợi tức trái phiếu kỳ hạn dài. Đây là tín hiệu không tích cực về nền kinh tế.

theo vietnamnet